Xứ Quảng 'nhảy vọt' từ đòn bẩy giao thông nông thôn

Từ đồng bằng đến miền núi, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) trong mấy năm qua ở Quảng Nam diễn ra rất sôi nổi và thu được nhiều thành công. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, giúp người dân có thu nhập ổn định và hộ nghèo giảm nhanh hơn.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam chia sẻ, tỉnh xác định vai trò của GTNT trong xây dựng NTM là rất cần thiết. Bên cạnh trực tiếp phục vụ đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông thì còn góp phần vào kết quả đạt các tiêu chí khác, như: Xã có đường GTNT đảm bảo tiêu chuẩn thì thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản… nên giảm được chi phí, nâng cao giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; hay khi đường GTNT sạch, đẹp, thông thoáng sẽ góp phần thực hiện tiêu chí môi trường. Vì thế, trong những năm qua, Quảng Nam đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối đồng bằng với nhiều xã vùng cao, qua đó nhiều địa phương đã mở ra cơ hội phát triển tốt hơn.

Quảng Nam đã thực hiện bê tông hóa hơn 1.552km đường GTNT và trên 390km đường giao thông nội đồng. Ảnh: Đ.H

Dù đạt nhiều thành quả, song việc đầu tư phá triển và triển khai xây dựng NTM, phát triển GTNT tại các xã miền núi của Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, do nhu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn của các tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, y tế, nước sạch (bình quân nhu cầu để đạt chuẩn tiêu chí hạ tầng khoảng 30-40 tỷ đồng/xã), trong khi đó nguồn kinh phí phân bổ hằng năm còn hạn chế...

Từ năm 2001 đến nay, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển GTNT. Đặc biệt, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, đề án phát triển GTNT và huy động từ các nguồn khác, Quảng Nam đã bê tông hóa hơn 1.552km đường GTNT và trên 390km đường giao thông nội đồng, nâng tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh được bê tông hóa lên trên 4.200/6.560km (đạt tỷ lệ 64%). Kinh phí đầu tư đã trên 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 450 tỷ đồng, ngân sách huyện và nhân dân đóng góp trên 550 tỷ đồng.

Các địa phương như Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình… cũng đã tích cực, chủ động và sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả về nhiệm vụ phát triển GTNT. Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Duy Xuyên – ông Nguyễn Văn Khánh cho hay, để đầu tư hiệu quả, ngoài ngân sách nhà nước, thời gia qua huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, góp công và kinh phí... đồng thời vận dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn để làm đường giao thông. Nhờ đó, qua 6 năm (2011 - 2016), Duy Xuyên đã đầu tư trên 102km đường GTNT với tổng giá trị đầu tư 60 tỷ đồng.

Tiếp tục kiên cố hóa GTNT

Việc triển khai, đầu tư GTNT đã mang lại thành quả tích cực, nhiều vùng quê ở Quảng Nam khởi sắc hẳn lên, đường làng, ngõ xóm ngày càng văn minh, sạch đẹp và hiện đại. Hiện toàn tỉnh đã có 78 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 38% (năm 2010 chưa có xã nào đạt). “Qua quá trình triển khai, thấy rõ hiệu quả đầu tư của chương trình bê tông hóa GTNT gắn với xây dựng NTM và có thể khẳng định, những xã có hệ thống giao thông tốt, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định thì bộ mặt nông thôn được nâng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày được nâng cao...” – ông Muộn đánh giá.

Mục tiêu phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2016 gặt hái được nhiều thành công, vì vậy, HĐND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ban hành Nghị quyết số 159/2015/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, triển khai đồng thời với đề án “Kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015 - 2020”... Đây là 2 đề án chiến lược làm nòng cốt cho mục tiêu phát triển GTNT - miền núi nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả, để đảm bảo trong giai đoạn 2016 - 2020 có 60% số xã đạt chuẩn. Riêng tiêu chí giao thông, nhu cầu là cứng hóa, bê tông hóa trên 1.500km đường GTNT, trên 500km giao thông nội đồng…

Theo ông Muộn, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, để triển khai thực hiện tốt thì việc thực hiện đề án GTNT gắn với thực hiện Chương trình NTM trong thời gian đến là nhiệm vụ cần thiết. Vì thế, công tác tuyên truyền, vận đông xây dựng NTM gắn với bê tông hóa GTNT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ngoài ra, lồng ghép nhiều nguồn lực từ tất cả các chương trình, dự án để đầu tư các tiêu chí NTM, trong đó ưu tiên tiêu chí giao thông; phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thiện hệ thống giao thông đến trung tâm các xã vùng cao; hoàn thiện hệ thống giao thông đường trục thôn và tiếp tục cứng hóa, bê tông hóa đường ngõ xóm xanh, sạch, đẹp...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/xu-quang-nhay-vot-tu-don-bay-giao-thong-nong-thon-721577.html