Xử phạt hành chính nếu đóng thiếu bảo hiểm xã hội

Từ ngày 1.1.2016, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, quyền của người lao động (NLĐ) được mở rộng và quy định cụ thể trong các điều luật.

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Tuy vậy khá nhiều người hầu như chưa biết đến quyền của mình. Mới đây, anh Nguyễn Minh Ph, giáo viên một trường THPT tại TP. Đà Nẵng hỏi: “Mới đây, giáo viên trường tôi phát hiện nhà trường đóng thiếu bảo hiểm xã hội (BHXH) cho khá nhiều cán bộ, viên chức trong trường. Ví dụ tôi bậc 7, nhưng suốt nhiều năm qua, trường chỉ đóng BHXH bậc 5. Vậy tôi khiếu nại ở đâu và quyền lợi sẽ được giải quyết thế nào ?”.

Cơ quan BHXH trả lời: Không đóng; đóng không đúng thời gian quy định; đóng không đúng mức quy định; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH là hành vi vi phạm Luật BHXH. Trong trường hợp ông Ph hỏi, trường ông hiện đang công tác đã vi phạm hành chính về BHXH và sẽ bị xử phạt được áp dụng theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (PLXLVPHC) và Điều 3 của Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của PLXLVPHC năm 2002 và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của PLXLVPHC năm 2008. Hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến tối đa 30 triệu đồng, đồng thời tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Trong trường hợp này, mức phạt đối với hành vi đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định từ 300 - 700 nghìn đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động. Đồng thời cơ quan vi phạm buộc truy nộp số tiền BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Mới nhất, ngày 3.2.2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia… được cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 1.1.2016, thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau: Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 1.1.2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016; đối với thời gian trốn đóng từ ngày 1.1.2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm và xác định theo quy định trên.

Hãy gọi tổng đài tư vấn luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được tư vấn trực tiếp.

Trung Hiếu (VPTVPL báo Lao Động)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/xu-phat-hanh-chinh-neu-dong-thieu-bao-hiem-xa-hoi-594727.bld