Xử phạt cơ sở sản xuất bò viên 40 triệu đồng

UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt bà Cao Thị Huyền (42 tuổi, ngụ huyện Mộc Đức, Quảng Ngãi) chủ cơ sở bò viên tại ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ 40 triệu đồng...

UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt bà Cao Thị Huyền (42 tuổi, ngụ huyện Mộc Đức, Quảng Ngãi) chủ cơ sở bò viên tại ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ 40 triệu đồng do vi phạm hành chính trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là mức phạt cao nhất đối với hành vi này trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Cao Thị Huyền làm chủ cơ sở sản xuất bò viên tại đây đã gần 4 năm, có giấy phép kinh doanh do cơ quan thẩm quyền cấp.

Tại sản xuất bò viên của bà Cao Thị Huyền (thuộc ngôi nhà đang thuê sát tỉnh lộ 833 ấp Bình Hòa, huyện Tân Trụ) lực lượng ghi nhận có 54 kg thịt gà, 616 kg thịt heo, 74 kg thịt xay nhuyễn không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 124 kg bò viên thành phẩm đều để bừa bãi dưới nền gạch, ruồi nhặng đậu đầy. Trong số này có khoảng 89kg thịt heo có màu xanh đã bốc mùi hôi thối. Kiểm tra xe, đoàn phát hiện thêm144kg thịt heo cũng đã chuyển màu xanh, hôi thối mua từ nơi khác đưa về.

Ngăn chặn chất cấm trong thực phẩm

Trong 4 tháng gần đây, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) không phát hiện chất cấm Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.

Cụ thể, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cho thấy, trong 11 tháng đầu năm: Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol là 1,27%, giảm so với năm 2015 (2,53%). Đặc biệt trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7-10), cơ quan chức năng không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phong trào nói không với chất cấm, trong đó có sự cam kết của người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có 63/63 tỉnh đã thực hiện với tổng số hơn 500.000 hộ chăn nuôi ký cam kết (kế hoạch ban đầu 100.000 hộ).

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản: Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của Bộ NN&PTNT cần phối hợp, chủ động hơn nữa ở các địa phương trong việc giám sát, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với thực phẩm an toàn...

70% mẫu nước sinh hoạt không đạt chuẩn

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa công bố kiết quả kiểm chất lượng nước tại TP.HCM. Theo đó, có đến hơn 70% số mẫu nước máy qua bồn chứa không đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý; hơn 50% số mẫu nước giếng tại các hộ dân (tự khai thác) cũng không đạt tiêu chuẩn.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 10-2016, Trung tâm đã lấy 311 mẫu nước tại các nguồn như: Nước sau xử lý của nhà nước máy (7 mẫu); nước máy trên mạng - Tổng công ty cấp nước TP (72 mẫu); nước giếng - Trạm cấp nước tập trung cung cấp từ 1.000 m3 ngày đêm trở lên (42 mẫu); nước giếng - Trạm cấp nước tập trung cung cấp dưới 1.000 m3 ngày đêm (93 mẫu); nước máy qua bồn chứa, vệ tinh (18 mẫu); nước giếng hộ dân tự khai thác (24 mẫu); nước chung cư (49 mẫu); nước qua ghe, sà lan, họng cấp nước, trạm tăng áp và các vệ tinh (6 mẫu).

Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, vẫn còn 48 mẫu nước chưa đạt chỉ tiêu về vi sinh và hóa lý. Tập trung chủ yếu là nước giếng và nước máy qua bồn chứa. Cụ thể, qua kiểm tra 24 mẫu nước giếng ở hộ dân tự khai thác, chỉ có 10 mẫu đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh (chiếm 41,67%). Nước giếng tại Trạm cấp nước tập trung cung cấp dưới 1.000 m3 ngày đêm, qua kiểm tra giám sát 93 mẫu, vẫn còn 12 mẫu không đạt tiêu chuẩn hóa lý và vi sinh.

Đáng lưu ý là nước máy qua bồn chứa, vệ tinh. Qua kiểm tra 18 mẫu, chỉ có 5 mẫu đạt tiêu chuẩn, chỉ chiếm tỷ lệ 27,78%; còn đến 13 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh và hóa lý. Các chỉ tiêu hóa lý không đạt chủ yếu là độ pH, hàm lượng Amoni. Chỉ tiêu vi sinh không đạt do nước có chứa vi sinh E.coli.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các chất không đạt trong nguồn nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước an toàn bằng cách xử lý nước tại hộ gia đình trước khi đưa vào sử dụng. Vệ sinh hệ thống lọc, vật chứa định kỳ. Đậy kín các vật chứa nước. Đối với khu vực đã được cung cấp nước sạch, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch. Chính quyền địa phương vận động người dân khu vực đã có nguồn nước sạch thì không khai thác ngầm, trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/xu-phat-co-so-san-xuat-bo-vien-40-trieu-dong-post182207.html