Xử lý ô nhiễm hồ bằng chế phẩm an toàn: Hồi sinh những 'lá phổi xanh'

Nước hồ ô nhiễm, bốc mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực lân cận là thực trạng của nhiều hồ nước tại Hà Nội. Với mong muốn hồi sinh những “lá phổi xanh” của thành phố, UBND TP Hà Nội đã đặt hàng Công ty WatchWater (CHLB Đức) sản xuất chế phẩm xử lý nước hồ hiệu quả, với giá thành hợp lý. Sau thời gian ngắn thử nghiệm, người dân đã cảm nhận rõ nét hiệu quả của công nghệ mới này.

Hồ Ba Mẫu sau nhiều ngày thử nghiệm chế phẩm đặc biệt, nước đã sạch và không còn mùi hôi. Ảnh: Bá Đô

Hồ nước đã “xanh” trở lại

Có mặt tại hồ Giáp Bát chiều 20-9, hít thở bầu không khí sạch sẽ, thoáng đãng và thư giãn cùng những người cao tuổi đang thảnh thơi tập thể dục quanh hồ, ít ai nghĩ rằng, chỉ cách đây ít hôm, nơi đây vẫn còn trong tình trạng ô nhiễm khá nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống xung quanh.

Bác Nguyễn Văn Sinh, sống tại phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai phấn khởi cho biết, UBND TP Hà Nội sử dụng công nghệ mới làm sạch hồ, tuy mới gần một tuần lễ thôi nhưng hiệu quả đã rất rõ rệt. Tảo và rêu sau khi được xử lý đã không còn. Nước hồ gần như trong xanh trở lại và không còn bốc mùi hôi khó chịu. "Người dân sống quanh hồ rất phấn khởi và mong muốn thành phố sẽ tiếp tục xử lý triệt để ô nhiễm để hồ Giáp Bát sạch hơn, đẹp hơn" - bác Nguyễn Văn Sinh nói.

Tại cuộc họp công bố báo cáo thử nghiệm xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, ông Trần Trọng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong tháng 7-2016, chế phẩm Redoxy-3C đã được Công ty WatchWater hoàn thiện theo đặt hàng của TP Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thử nghiệm sản phẩm tại 3 hồ nước ô nhiễm khá nặng là: Giáp Bát (quận Hoàng Mai), Hố Mẻ, Ba Mẫu (quận Đống Đa). Cũng theo ông Trần Trọng Văn, hồ Ba Mẫu, sau khi được xử lý bằng Redoxy-3C, nước đã trong xanh, không còn hiện tượng cá chết, bốc mùi hôi như trước đây. Tương tự, ở hồ Hố Mẻ, Giáp Bát, một số chỉ số ô nhiễm đã giảm đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Hảo, một người dân phường Phương Liên, quận Đống Đa, cho biết, hồ Ba Mẫu ô nhiễm nặng nề nên khi được xử lý trong sạch hơn, đặc biệt không còn mùi hôi, người dân rất phấn khởi. "Người có tuổi phấn khởi nhất vì có nơi không khí trong lành để tập thể dục hằng ngày" - bà Nguyễn Thị Hảo chia sẻ.

Công nghệ sạch và an toàn

Theo PGS.TS Lê Thu Hà, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty WatchWater của Đức là đơn vị chuyên sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm nước hồ có tiếng hiện nay trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường được ứng dụng tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C trên mẫu nước tại 22 hồ, ao của Hà Nội. Việc thử nghiệm tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm được thực hiện theo 3 bước: Lấy và phân tích mẫu trước khi xử lý; phun và rải chế phẩm Redoxy-3C; phân tích mẫu sau thử nghiệm. Kết quả thu được cho thấy, các thông số thủy sinh hóa không vượt ngưỡng, có giảm nhưng không quá giới hạn cho phép để các loài thủy sinh sinh trưởng và phát triển.

“Hai giờ sau khi phun rải Redoxy-3C tại các hồ thử nghiệm, các lớp tảo tầng trên mặt hồ đã có dấu hiệu phân hủy hàng loạt. Mười ngày sau xử lý, mặt hồ không còn hiện tượng váng tảo nổi, nước hồ trong, hệ thủy sinh trên hồ phát triển bình thường” - PGS.TS Lê Thu Hà cho biết.

Nhận xét về kết quả thử nghiệm Redoxy-3C, PGS.TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng Redoxy-3C xử lý ô nhiễm hồ tại Hà Nội rất khả quan. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục thử nghiệm đến cuối tháng 9 này để có được những thông số đánh giá đầy đủ và chi tiết hơn.

Theo ông Trần Trọng Văn, việc ứng dụng công nghệ Redoxy-3C trong xử lý hồ có chi phí giảm khoảng 2/3 so với sử dụng các phương pháp trước đây. Tuy nhiên, để chất lượng nước hồ được duy trì xanh, sạch, không lãng phí khi đầu tư, bên cạnh việc xử lý theo định kỳ của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của cộng đồng, không vứt rác, phế thải xuống hồ thì mới có thể giữ sạch những “lá phổi xanh" của thành phố.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/849121/xu-ly-o-nhiem-ho-bang-che-pham-an-toan-hoi-sinh-nhung-la-phoi-xanh