Xử lý nợ xấu: 'VAMC là nửa vời, là củ sâm để tổ chức tín dụng ngậm từ nhà tới bệnh viện'

Nói về tình hình tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức tín dụng, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 cần quyết tâm chính trị cao hơn. VAMC chỉ là nửa vời, là củ sâm để tổ chức tín dụng ngậm từ nhà tới bệnh viện thôi”.

Tại Diễn đàn kinh tế 2016, ngày 12/10, những vấn đề lớn của nền kinh tế trong nước được đưa ra đối thoại, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là vấn đề nợ công và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nói về đề tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu , TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết: Nợ công ở ngưỡng 65% GDP là một chỉ số quan trọng, tuy nhiên chúng ta cũng không nên vì thế mà “dọa nhau”, cho rằng nền kinh tế đang ở ngưỡng báo động và cần “bất động” trước nhiều đề xuất, phương án có sử dụng ngân sách nhà nước. Để biết được đâu là “ngưỡng” của nợ công thì còn phải có những nghiên cứu, đánh giá rõ ràng dựa trên thực trạng mỗi quốc gia.

Nhận định về tái cơ cấu ngân hàng, TS. Trương Văn Phước cho biết: Chúng ta phải chú trọng tới 2 vấn đề là “quan điểm” và “kỹ thuật” để có môt chương trình hành động cụ thể. Trước hết, hãy trả lời câu hỏi: Không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có được không?

“Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này vì gần đây tôi thấy chúng ta nói nhiều tới chủ đề “trừng trị kẻ gây ra nợ xấu”, “lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu”. Nếu chúng ta cứ giữ những quan điểm này thì nền kinh tế sẽ ra sao?”, TS. Phước tỏ ra lo ngại.

Hãy nhìn một cách rõ ràng và cụ thể, 5 năm qua chúng ta phải dùng khoảng 15 tỷ USD để dự phòng rủi ro, thu nợ và cấn trừ nợ…Con số này là nguồn lực tổng hợp, có thực, nằm trên bảng cân đối thu chi. Lạm phát ở mức 0,5-0,6 nhưng lãi suất cho vay tới 5-6%, tỷ lệ sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng 5 năm trở lại đây giảm 3 lần từ 12% trên xuống còn 4%. Nền kinh tế đang phải chấp nhận chi phí vốn cao bởi nợ xấu cao, trích lập dự phòng ở các ngân hàng lớn.

Vì thế, chúng ta phải hiểu rằng xử lý nợ xấu không phải vì ngân hàng điều hành gây ra nợ xấu, mà vì một nền kinh tế khỏe mạnh hơn, thị trường thông thoáng hơn. Và xử lý nợ xấu với một phương án cụ thể, rõ ràng, chứ không phải hô khẩu hiệu suông như thời gian vừa qua, ông Phước nhận định.

Vậy chúng ta xử lý nợ xấu theo cách nào? Đây là một vấn đề “kỹ thuật” trong tái cơ cấu ngân hàng. Như VAMC trong thời gian vừa qua chỉ là phương án nửa vời, là củ sâm để TCTD ngậm từ nhà mình đến bệnh viện, giúp cho ngân hàng không đột tử trên đường đến bệnh viện. Đến nay, khi nợ xấu đang ở bệnh viện rồi thì chúng ta cần bàn phương án cụ thể để xử lý nó.

“Tôi cho rằng để tái cơ cấu thành công, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN ) không thể đơn thương độc mã mà làm được”, ông Phước chỉ ra. Bởi nếu không được sự đồng hành của các bộ như Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Tư pháp thì ngân hàng khó có thể lấy tài sản đảm bảo và treo bảng để bán.

Vì thế, cần một ban chỉ đạo cấp nhà nước để điều hành bằng quyền lực tạo ra những cơ chế hợp thức hóa để giải quyết các vấn đề. Như vậy, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 cần quyết tâm chính trị cao và “vượt ngoài khuôn khổ”.

Theo tính toán cần khoảng 25 tỷ USD để xử lý nợ xấu ngân hàng hiện nay, và câu hỏi đầu tiên vẫn là “tiền đâu?”, phải có nguồn lực! Nếu cứ để các TCTD tự thân vận động, tự kích hoạt bằng nguồn lực bên ngoài, thì một vấn đề đặt ra là dự phòng rủi ro ở các ngân hàng. Ước tính TCTD sử dụng khoảng 35 nghìn đến 40 nghìn tỷ/năm, trong 5 năm để xử lý nợ, số tiền này sẽ tính vào dự phòng rủi ro. Như vậy sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới lãi suất tín dụng, cuối cùng hậu quả lại là do khách hàng gánh chứ không phải là các TCTD.

Vậy lý do gì mà chúng ta không dùng thêm nguồn lực khoảng chừng 8-10 tỷ USD để đưa hệ thống TCTD vào quỹ đạo ngay bây giờ trong khi nguồn lực chúng ta có, ông Phước đặt câu hỏi. Chắc chắn vẫn phải tính toán cụ thể và phương án lấy nguồn lực ở đâu, từ NHNN, ngân sách nhà nước là nguồn lực nhà nước; tín dụng người dân, các nhà đầu tư là nguồn lực tổng thể?

Ông Phước đề xuất: Về nguồn lực từ ngân sách chúng ta sẽ không “cho không” các TCTD mà cần tính tới chiết khấu, lượng hóa nó, hoặc phát hành trái phiếu đặc biệt cho người dân, có tài sản đảm bảo đặc biệt của Chính phủ, hoặc chứng khoán nó.

“Thực ra chúng ta có nhiều kỹ thuật, tuy nhiên cần đi vào cụ thể, thực tiễn. Như hiện nay, vấn đề xử lý nợ xấu còn ở giai đoạn kế hoạch mung lung, kiểu làm tốt thì ăn ngay, không làm được cũng chả chết ai. Vì thế nếu quan điểm đã thống nhất thì nên để chúng được triển khai thành hiện thực”.

Theo tính toán ở Việt Nam mỗi năm tỷ lệ nợ xấu tự nhiên khoảng 1,25%, nghĩa là mỗi năm có khoảng 60 nghìn - 70 nghìn tỷ nợ xấu phát sinh. “Vì thế nếu chúng ta không xử lý nhanh chỗ nợ xấu đang tồn động, nó sẽ như cái ao nước đã đầy mà còn mưa xuống thì nước sẽ tràn bờ làm ngập úng các bộ phận khác, và chúng ta đừng hy vọng rằng vì cái ao đầy nước mà trời không mưa nữa. Thời gian không dừng lại để chờ chúng ta”, ông Phước so sánh.

Nguyễn Thoan

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/xu-ly-no-xau-vamc-la-nua-voi-la-cu-sam-de-to-chuc-tin-dung-ngam-tu-nha-toi-benh-vien-2072295.html