Xử lý nghiêm vi phạm khai thác hủy diệt

Đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 phương tiện hoạt động các nghề khai thác hải sản; trong đó có trên 1.500 phương tiện đánh bắt xa bờ, còn lại hoạt động trong vùng lộng, khơi và ven bờ.

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU
Nói không với khai thác hủy diệt
Phát động phong trào thi đua "Nói không với khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, hủy diệt"

Mặc dù đã được Bộ đội Biên phòng (BÐBP) và các ngành chức năng địa phương tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng vì lợi ích cá nhân, nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình sử dụng các hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.

Ngoài số phương tiện của tỉnh Cà Mau, hằng ngày, trên vùng biển Cà Mau còn có hàng ngàn phương tiện của các tỉnh lân cận tham gia khai thác thủy sản; trong đó có nghề cào mé, te ruốc hoạt động ven bờ. Tưởng chừng đó là hoạt động bình thường, không gây nguy hại đến sinh sản, tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng chính các loại hình này đang “góp phần” tàn phá môi trường, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển. Ðặc biệt, có chủ phương tiện sử dụng chất nổ, hóa chất độc hại, kích điện... để đánh bắt.

Ngày 15/3 vừa qua, lực lượng của Ðồn Biên phòng Sông Ðốc (BÐBP Cà Mau) tổ chức tuần tra dọc theo khu vực gần bờ, từ vàm cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc) đến cửa biển Ðá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Lúc này khoảng 22 giờ, qua ánh sáng phát ra từ các phương tiện đánh cá đang hoạt động trên biển, lực lượng tuần tra phát hiện có 3 phương tiện đẩy te có nhiều nghi vấn. Khi tàu tuần tra biên phòng ra hiệu dừng hoạt động để kiểm tra, phát hiện cả 3 phương tiện vỏ gỗ chiều dài từ 7,2 đến 9 m, đều không số hiệu. Các chủ phương tiện có hộ khẩu thuộc các xã, thị trấn ven biển của huyện Trần Văn Thời.

Kiểm tra phương tiện sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản. Ảnh: HOÀNG TÁ

Ngày 17/3, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tiếp tục phát hiện 3 phương tiện vỏ gỗ, cũng không số hiệu, đang sử dụng kích điện để khai thác thủy sản khu vực vùng bờ.

Qua kiểm tra trang thiết bị của 6 phương tiện nói trên, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện hàng chục mét dây điện, bình ắc quy. Các thuyền trưởng không thể giải thích được nguồn gốc, mục đích sử dụng loại trang bị này. Các phương tiện được đưa về cửa biển Sông Ðốc để Ðồn Biên phòng điều tra, xử lý theo quy định.

Theo trình bày và khai báo của ông Nguyễn Thanh Sử (ngụ thị trấn Sông Ðốc), chủ phương tiện vi phạm: “Phương tiện vỏ gỗ này chỉ hoạt động trong thủy nội địa, không giấy tờ đăng ký theo quy định. Mục đích ban đầu của phương tiện chủ yếu là để chở người và hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Sau đó, tôi cải hoán, dùng bộ công cụ kích điện tự chế để khai thác thủy sản, nhằm mang lại hiệu quả khai thác cao hơn. Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều lần, biết việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản là vi phạm pháp luật, nhưng do cuộc sống gia đình khó khăn, nên đã cố ý làm liều”.

Đồn Biên phòng Sông Đốc tăng cường tuần tra, kiểm tra các phương tiện hoạt động sai vùng tuyến. Ảnh LÊ KHOA.

Thiếu tá Lê Vũ Khanh, Phó đồn trưởng Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết: "Với hình thức đánh bắt bằng xung điện, tất cả nguồn lợi và ấu trùng sinh vật biển nằm trong khu vực dòng điện 220V phóng ra đều bị giật chết trước khi lọt vào miệng te".

Mấy năm trước, tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản ở Cà Mau khá phổ biến, nhưng chỉ tập trung trong vùng nông thôn, nơi có nhiều cá đồng, hoặc trong các kênh, rạch. Trên các vùng biển ven bờ xuất hiện các phương tiện giã cào sử dụng kích điện để đánh bắt nhưng đã được các ngành chức năng và BÐBP phát hiện, ngăn chặn, đồng thời xử lý hàng chục vụ, thu giữ nhiều bộ kích điện.

Gần đây, trên vùng biển tỉnh Cà Mau tiếp tục xuất hiện tình trạng này, đầu năm 2024 đến ngày 15/3/2024, BÐBP Cà Mau phát hiện 12 vụ sử dụng kích điện, xử phạt với số tiền 55 triệu đồng và tịch thu 12 bộ kích điện tự chế, miệng lưới te.

Tang vật là bộ kích điện tự chế của các chủ phương tiện dùng đánh bắt thủy sản. Ảnh: HOÀNG TÁ

Nếu như khu vực ven bờ, các phương tiện sử dụng kích điện, thì bên ngoài ở khu vực vùng lộng, vùng khơi, một số phương tiện khác vẫn đang hoạt động gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như hình thức đánh bắt bằng giã cào; hoạt động sai vùng tuyến... BÐBP Cà Mau phát hiện, xử phạt 33 trường hợp vi phạm, với số tiền 1,2 tỷ đồng; trong đó có 19 phương tiện hoạt động sai vùng tuyến bằng các hình thức đánh bắt bằng nghề giã cào, lưới kéo...

Ðại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng BÐBP Cà Mau, cho biết: “Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; làm tốt công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, cũng như bà con ngư dân ngoài tỉnh thấy được trách nhiệm, nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành các quy định. Ðồng thời, khi ra biển hoạt động phải chấp hành nghiêm quy định đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; đánh bắt khai thác đúng ngành nghề đăng ký, hoạt động đúng vùng tuyến, có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên trên biển; đặc biệt nghiêm cấm vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi phát hiện có tàu thuyền nước ngoài, hoặc các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam, nhanh chóng thông báo cho BÐBP để có biện pháp xử lý. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất, nhập bến, cập cảng, rời cảng, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản sai quy định”.

Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/3/2024, BÐBP Cà Mau ra quyết định và tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 134 trường hợp, phạt tổng số tiền hơn 4 tỷ 342 triệu đồng.

Anh Vy

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-khai-thac-huy-diet-a31800.html