Xử lý nghiêm sai phạm để làm trong sạch thể thao Việt Nam

Liên quan đến vụ cựu tuyển thủ thể dục dụng cụ quốc gia Phạm Như Phương tố bị cắt xén tiền thưởng, nộp nhiều loại quỹ đội, được ký khống và chia 50% tiền lương các ngày nghỉ tập… Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký công văn yêu cầu Cục Thể dục thể thao chấn chỉnh công tác tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia.

Công văn giao Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương chỉ đạo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao phối hợp với Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL kiểm tra, rà soát những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác huấn luyện, chế độ chính sách của đội tuyển thể dục dụng cụ nữ quốc gia, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện có sai phạm. Đồng thời, Cục Thể dục thể thao tổng rà soát các vấn đề liên quan đến công tác huấn luyện của các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia đang tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia.

Từ tố cáo xén tiền thưởng, lập quỹ riêng, kê khống tiền công ngày nghỉ... của VĐV lộ ra nhiều bất cập ở đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia

Bài học trong công tác quản lý

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, quan điểm của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL là xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm. Để đảm bảo quyền lợi của VĐV, phải xem xét nhiều khía cạnh nhằm chấn chỉnh. Trước mắt, Cục Thể dục thể thao đã cho dừng nhiệm vụ với 2 HLV để làm rõ trách nhiệm và sẽ có các bước tiếp theo. “Tinh thần chung là Bộ sẽ xử lý nghiêm túc, coi đây là bài học trong công tác quản lý để thực hiện nhiệm vụ làm trong sạch và phát triển thể thao Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Lệ “xén” tiền thưởng ở đội tuyển thể thao

Cựu tuyển thủ thể dụng dụng cụ hai lần dự Olympic - Phạm Phước Hưng tiết lộ: “Thời tôi cũng có chuyện nộp 10% tiền thưởng huy chương cho HLV rồi. Nhưng hồi đó tiền thưởng không cao như bây giờ nên số tiền không đáng là bao, mọi người đều vui vẻ. Còn tiền thưởng “nóng” thì chúng tôi được nhận đủ, không phải chia cho ai”. Còn cựu tuyển thủ karate quốc gia Bùi Việt Bằng cho biết: “Khoản thưởng “nóng” trị giá không quá lớn, chỉ độ 150 USD thì tôi được nhận 100%. Tiền thưởng huy chương 25 triệu đồng, tôi nhận lại đâu đó 95%. Khoảng 5% số tiền thưởng của chúng tôi được trích lại làm quỹ chung, để trang trải nhiều thứ, chẳng hạn như cảm ơn ban huấn luyện, các nhân viên phụ trách giấy tờ thủ tục, chia vui với các thành viên khác trong đội... Không chỉ chúng tôi, mà nội bộ một số đội tuyển ở các môn thể thao khác thời bấy giờ cũng có thông lệ tương tự”.

Về việc VĐV đội thể dục dụng cụ tố dù không tập vào ngày chủ nhật, ngày lễ nhưng vẫn được chấm công, nhận lương, 50% số tiền những ngày này VĐV được nhận, còn lại HLV thu, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, có việc chấm công cho VĐV vào chủ nhật, ngày lễ vì họ có tập chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Còn những nội dung tố cáo đúng sai ra sao cần thêm thời gian để xác minh nhiều phía, ngành thể thao đang khẩn trương làm việc này.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết đã yêu cầu Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội giải trình, báo cáo. “Nếu chỉ có mỗi đề xuất tập luyện mà không có kế hoạch hay giáo án gì cả thì quá sai rồi. Bên phía trung tâm cũng phải có minh chứng đội có tập không, có điểm danh không?” - ông Đặng Hà Việt nói.

Cần nhanh chóng xác minh, làm rõ các tố cáo của VĐV để trong sạch thể thao Việt Nam

HLV thu tiền VĐV, lập quỹ riêng là sai

Trước cáo buộc bớt xén tiền thưởng huy chương, tiền thưởng “nóng”, 2 HLV Đội Thể dục dụng cụ nữ là Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Hà Thanh cho biết, có thu tiền của VĐV Phạm Như Phương, nhưng không phải ăn chặn, biển thủ, mà phục vụ mục đích chung của Đội Thể dục dụng cụ Hà Nội. Được biết, phía đơn vị chủ quản đã yêu cầu 2 HLV này phải giải trình, thống kê và trả lại các khoản tiền thu sai quy định cho VĐV.

Cấm lập quỹ để bồi dưỡng HLV, cán bộ thể thao

Ngày 19-1, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM ban hành công văn về việc triển khai, phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng đến đội ngũ HLV, VĐV của thành phố. Công văn đề nghị công khai niêm yết về tài chính, các chế độ chính sách đến HLV, VĐV và các cá nhân có liên quan theo đúng quy định. Đối với hình thức thành lập quỹ từ VĐV (nếu có) với mục đích bổ sung dinh dưỡng, giải trí, sinh hoạt… phải được sự đồng thuận của các thành viên. Quỹ phải có quy định, công khai, minh bạch và được sự chấp thuận của lãnh đạo đơn vị, bộ môn, ban huấn luyện. “Tuyệt đối nghiêm cấm dùng tiền quỹ đội để bồi dưỡng HLV, cán bộ và các mục đích khác. Nghiêm cấm các hình thức trích tỉ lệ phần trăm từ chế độ của VĐV” - công văn nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt khẳng định, HLV lập quỹ riêng, yêu cầu VĐV nộp tiền hàng tháng là vi phạm, không đúng tinh thần của ngành thể thao, cần phải xử lý.

Được biết, tại các cuộc làm việc với lãnh đạo ngành thể thao, các HLV đều thừa nhận Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia và Đội Thể dục dụng cụ Hà Nội có quỹ riêng. Việc các VĐV phải nộp tiền (trích phần trăm tiền thưởng huy chương, tiền thưởng “nóng”) vào quỹ do HLV thu là có.

Trước đó, VĐV thể dục dụng cụ Phạm Như Phương cho biết cô phải nộp lại 10% tiền huy chương và có khi lên tới 50% tiền thưởng “nóng” vào quỹ đội. Quỹ này được ban huấn luyện giải thích dùng để phục vụ công tác chuyên môn, trang thiết bị và đối nội, đối ngoại cho Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia.

Ngành thể thao đang xác minh và sẽ xử nghiêm các vi phạm từ tố cáo của cựu VĐV Phạm Như Phương

Nghị định 152 của Chính phủ quy định tiền công của một VĐV đội tuyển quốc gia là 270.000 đồng/ngày. HLV trưởng đội tuyển quốc gia được hưởng tiền công 505.000 đồng/người/ngày, HLV quốc gia được hưởng 375.000 đồng/người/ngày.

Tiền thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng SEA Games lần lượt là 45, 25 và 20 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thưởng “nóng” SEA Games được huy động qua các nguồn lực xã hội khoảng 10 triệu đồng/Huy chương Vàng, 5 triệu đồng/Huy chương Bạc và 3 triệu đồng/Huy chương Đồng. Nếu tố cáo của VĐV Phạm Như Phương là đúng thì VĐV bị “xén” trung bình từ 4 - 6 triệu đồng tiền thưởng cho mỗi tấm huy chương SEA Games. Con số này tăng lên đối với huy chương châu Á, thế giới.

Nhiều HLV còn cho tiền học trò

HLV Bùi Xuân Trường (giữa) cùng các học trò ở đội tuyển thể hình

Nhân vụ việc của VĐV thể dục dụng cụ Phạm Như Phương, trên các diễn đàn thể thao Việt Nam, nhiều HLV, VĐV ở các bộ môn khác cũng chia sẻ những câu chuyện về người thầy của mình, cho thấy cái nhìn khác về HLV thể thao.

* “Tôi cũng là một HLV, nhưng tôi chỉ cho thêm VĐV chứ không bao giờ lấy của các em 1 đồng, vì bản thân HLV chúng tôi cũng nhận được tiền thưởng của Nhà nước như các em VĐV đã nhận”.

HLV Bùi Xuân Trường - Đội tuyển Thể hình quốc gia

* “Thầy tôi cũng vậy, luôn an ủi động viên và tìm mọi cách cho học trò của mình ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhất. Thầy luôn nhận phần thiệt về mình, hy sinh và lo lắng cho VĐV. Được làm trò của thầy là may mắn nhất đời tôi. Suốt 20 năm qua tôi luôn phấn đấu để đền ơn thầy bằng những tấm Huy chương Vàng”.

VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc (từng giành 5 Huy chương Vàng SEA Games, 17 chức vô địch quốc gia)

* “HLV cũng có người này, người kia. Hồi trước, HLV trực tiếp của tôi là thầy Phan Quang Minh Quân vẫn thưởng 200 - 500 nghìn đồng khi có VĐV trong đội tập tốt. Thầy cũng theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ của học trò. Mỗi khi trò ốm, thầy lại đôn đáo đi mua thuốc, trái cây về xay sinh tố cho VĐV. Thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều HLV có tâm, có tầm”.

VĐV bơi lội Nguyễn Hữu Kim Sơn (nhà vô địch bơi SEA Games)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xu-ly-nghiem-sai-pham-de-lam-trong-sach-the-thao-viet-nam-post565007.antd