Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong sự cố môi trường biển

Sáng nay (17/11), bước sang buổi cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã "đăng đàn", làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu nêu.

Trước khi bắt đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo trước Quốc hội. Theo đó, Thủ tướng khẳng định, trong những tháng qua với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã hành động quyết liệt, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nói đi đôi với làm, tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tập trung nghiên cứu những vấn đề chiến lược, vĩ mô; đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội...

Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 12,5%; mặt bằng lãi suất giảm; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 7,2%, cả năm ước tăng khoảng 8% cùng nhiều thành tích nổi bật khác. Đặc biệt, với tinh thần tương thân tương ái, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã cùng chung tay hỗ trợ người dân vùng bị lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Với những kết quả nêu trên, có thể khẳng định chúng ta cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 như đã báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đã đề ra; đồng thời, khẩn trương chuẩn bị triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trong buổi chất vấn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Trong số đó có hai vấn đề nổi trội được nhiều người quan tâm hiện nay đó là việc bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn hạn chế, yếu kém

Thủ tướng cho biết bảo vệ môi trường là vấn đề nổi cộm hiện nay, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng giải quyết chưa hiệu quả, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua là bài học đắt giá cần khắc phục, xử lý nghiêm và hiệu quả. Hiện nay, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành liên quan đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ liên quan; tinh thần chung là phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là chủ trương xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu rà soát các quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ xả thải, chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường. Từ năm 2017 sẽ tiến hành đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ và xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm

Với quyết tâm lập lại trật tự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Trong năm 2016, đã thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với trên 200 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, lập lại kỷ cương trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu cần mạnh tay xử lý ngay những vấn đề bức xúc, nhất là vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, công khai quy trình sản xuất. Phát triển các mô hình sản xuất sạch, hiệu quả, xây dựng thương hiệu gắn với cộng đồng, địa phương và tổ chức theo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Siết chặt quản lý việc sản xuất kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm; bảo đảm an toàn thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Ngoài hai vấn đề nổi cộm này, Thủ tướng cũng trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề nợ công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Về vấn đề nợ công, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Còn việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Tập trung nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DNNN.

Thanh Loan

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/xu-ly-nghiem-cac-to-chuc-ca-nhan-sai-pham-trong-su-co-moi-truong-bien-c4a468706.html