Xử lý kinh doanh trái phép 'bóng cười' (2): Vận dụng triệt để quy định pháp luật

Xác định rõ và vận dụng triệt để quy định pháp luật trong công tác xử lý; sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở, lực lượng công an và quản lý thị trường… đó chính là những biện pháp căn bản để giải quyết hoạt động vi phạm kinh doanh, sử dụng 'bóng cười' trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều ghi nhận, khen ngợi từ phía người dân trước những nỗ lực, biện pháp của cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm kinh doanh, sử dụng “bóng cười”; chính là động lực để quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng này.

Tang vật một số vụ vi phạm về “bóng cười” bị thu giữ

Tang vật một số vụ vi phạm về “bóng cười” bị thu giữ

Không có chế tài: khó xử lý?

Hình ảnh những thanh niên sử dụng “bóng cười” tại những quán bar, cà phê đã gây phản cảm và sự lo lắng đối với các bậc phụ huynh. Một thời gian khá dài, “bóng cười” đã định hình, ăn sâu bén rễ và trở nên phức tạp, bởi khách quan mà nói, cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm, giải quyết tình trạng này. “Không có chế tài”, luôn là cái cớ được đưa ra để đổ lỗi cho sự tồn tại của thú vui nguy hiểm này.

Nhìn nhận và đánh giá rõ nguy cơ, hệ lụy của việc mua bán, sử dụng “bóng cười”, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác định, vận dụng đúng, đủ những văn bản pháp quy vào công tác xử lý.

Trên tinh thần ấy, Kế hoạch số 218 - đấu tranh, xử lý vi phạm kinh doanh, sản xuất “bóng cười” - đã được Giám đốc CATP ký ban hành. Cùng với yêu cầu tổng kiểm tra rà soát việc kinh doanh “bóng cười” nói riêng, các đơn vị Công an cơ sở, các phòng chức năng được quán triệt phải tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định đây là vấn đề bức xúc, nguy hại đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh quản lý con em không tham gia hít khí cười.

Một vấn đề hết sức quan trọng, đó là cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng áp dụng trong quá trình xử lý vi phạm về “bóng cười”. Có ít nhất 3 chế tài có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Đó là quy định kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, theo NĐ số 26/2011/NĐ-CP, ngày 8-4-2011 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ số 108/2008/NĐ-CP, ngày 7-10-2008 của Chính phủ.

Thứ hai, cơ quan chức năng kiểm tra việc kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Và một lỗi quan trọng khác mà đa số các cơ sở thường mắc phải: nguồn gốc hàng hóa - “bóng cười” và khí cười - tại cơ sở bị phát hiện. Kết hợp các biện pháp, chế tài này đã giúp công tác xử lý vi phạm về “bóng cười” ở Hà Nội bước đầu thu được kết quả tốt.

Cơ chế - trách nhiệm duy trì

Đánh giá những kết quả bước đầu của các đơn vị, địa bàn trong thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP về vi phạm “bóng cười”, Thượng tá Đồng Thị Ánh Vân - Phó trưởng phòng Tham mưu CATP Hà Nội cho rằng: “Sự vào cuộc của các phòng nghiệp vụ CATP, của cơ quan Quản lý thị trường, là hết sức quan trọng, cần thiết. Nhưng quan trọng không kém, là bài toán duy trì kết quả đạt được. Và hơn ai hết, chỉ có cấp cơ sở xã, phường, sẽ có điều kiện thuận lợi để nắm bắt và xử lý kịp thời”.

Điều này thấy rõ qua cách làm ở phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), từng nóng với những “phố bóng cười” Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ… Trung tá Hoàng Xuân Hiếu - Trưởng CAP cho biết, từ chỉ đạo của CATP và CAQ, ban chỉ huy CAP đã tham mưu với Đảng ủy, UBND phường thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh “bóng cười”, do 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND phường làm Tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các quán cà phê, quán nước không bán và không để khách sử dụng “bóng cười”.

Kiên quyết hơn, CAP thiết lập “đường dây nóng” để thu thập thông tin tố giác, tin báo tội phạm về tệ nạn ma túy nói chung, các hành vi kinh doanh trái phép khí N20 nói riêng… đồng thời phối hợp với Đội QLTT số 2, Đội Cảnh sát Môi trường và CSKT của CAQ, kiểm tra xử lý công khai và tiến hành trinh sát, phát hiện các điểm cung cấp khí cười. 13 cơ sở kinh doanh, sử dụng “bóng cười” bị lập biên bản trong vòng 1 tháng với gần 40 bình khí N20 bị thu giữ; mức phạt hành chính bình quân 10 triệu đồng/ trường hợp… Sự quyết liệt ấy khiến: “Trước kia quán cà phê nào ở phố Nguyễn Hữu Huân cũng có “bóng cười”, thì nay đã sạch vãn”, như Chủ tịch phường Lý Thái Tổ, ông Nguyễn Trung Thủy, chia sẻ.

Đồng quan điểm “ngăn ngừa, giữ được kết quả xử lý vi phạm “bóng cười” phải là cấp phường”, ông Nguyễn Công San - Phó trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nêu dẫn: “Điều 5, Chương 2 của Nghị định 163 NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, quy định hành vi vi phạm quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng, tùy theo tính chất vi phạm. Thẩm quyền xử phạt do UBND quận, phường thực hiện.

Điều này thể hiện rõ, trách nhiệm kiểm soát, xử lý vi phạm kinh doanh “khí cười”, hơn hết thuộc về cấp quận, phường”. Việc xác định rõ trách nhiệm đối với cấp có thẩm quyền, lực lượng chức năng, là hết sức cần thiết đối với công tác xử lý vi phạm, không riêng “bóng cười”…

Nhóm PV Nội chính

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/xu-ly-kinh-doanh-trai-phep-bong-cuoi-2-van-dung-triet-de-quy-dinh-phap-luat/728558.antd