Xử lý dứt điểm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu

Trên cả nước vẫn còn hơn 1.150 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Hàng ngày, hàng vạn người dân vẫn phải sống chung với hóa chất và trong đó đã có nhiều người phải tử vong.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã thảo luận để tìm ra các giải pháp căn cơ, xử lý triệt để vấn nạn trên tại một Hội thảo về các phương pháp xử lý khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thựcvật (BVTV) do Bộ TN-MT phối hợp với Chương trình phát triển và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức ngày 30/8, tại TP. Đà Nẵng, này. “Sống chung” cùng hóa chất Ông Hoàng Thành Vĩnh, Quản đốc dự án, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cho biết, nhiều năm qua, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở nước ta rất phổ biến. Các loại hóa chất sử dụng bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhóm các chất ô nhiễm hữu cơ bền vững (Persistent Organic Pollutants - POPs). Nhóm chất này bao gồm: aldrin, chlordane, DDT … Những kho thuốc trước đây được xây dựng rất sơ sài, cộng với ý thức của người dân chưa cao, vì vậy, sau khi những kho thuốc này được di dời hoặc không sử dụng, số thuốc còn lại không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân. Quân chủng Phòng không-Không quân đang rà, phá bom, mìn, triển khai Dự án xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: Đoàn Nguyên) Theo Bộ TN-MT, hiện trên toàn quốc còn hơn 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 39 tỉnh/thành phố với khoảng 289 kho lưu giữ hóa chất. Trong đó, có 51 kho gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; 8 kho ô nhiễm và 230 kho chưa xác định được mức độ ô nhiễm. Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa có lượng tồn lưu và mức ô nhiễm thuốc BVTV POPs trong đất lớn nhất với số lượng hàng chục nghìn m3. Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại, phần lớn kho chứa thuốc BVTV nằm ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không ít kho thuốc nằm xen kẽ trong các khu dân cư như kho thuốc làng Ải (Tuyên Quang), kho Giao Tiến- Giao Thủy (Nam Định)... “Hầu hết các hóa chất BVTV trong các kho lưu giữ đều là hóa chất độc hại đã cấm sử dụng, kém phẩm chất, bao bì bị bục, không nhãn mác nên dư lượng hóa chất BVTV dễ bị rò rỉ, phát tán ra ngoài môi trường gây nguy hại đến tính mạng con người”, ông Vĩnh nhấn mạnh. Chỉ trong năm 2009, trên cả nước đã có 5000 người bị nhiễm độc thuốc BVTV, trong đó 138 người tử vong, đó là chưa kể số người bị mắc bệnh ung thư, bệnh lao phổi, bệnh về đường hô hấp... Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều điểm ô nhiễm chất độc dioxin vẫn còn tồn lưu ở mức độ cao và hàng vạn người dân vẫn đang phải sống chung với các hóa chất độc hại. Hầu hết các nghiên cứu đánh giá mức độ tồn lưu dioxin ở sân bay Đà Nẵng và các “điểm nóng” khác cho thấy, độ tồn lưu dioxin trong đất, đất lắng đọng, trầm tích còn vượt nhiều lần mức tối đa cho phép của quốc tế (1ppb). Sẽ xử lý triệt để vào năm 2025 Nhằm đem lại sự trong sạch cho môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc để tìm ra những giải pháp giải quyết tận gốc những điểm, vùng còn tồn tại thuốc BVTV. Trên thực tế, đã có nhiều giải pháp được các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra như giải pháp công nghệ thiêu đốt trong lò xi măng, giải pháp hóa học, sinh học... đã được áp dụng trong những năm qua. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm xử lý môi trường, Bộ Tư lệnh hóa học, tất cả các giải pháp trên đều có những tồn tại nhất định. “Một công nghệ đang được đánh giá cao trong việc xử lý hóa chất thuốc BVTV như đốt cũng bộc lộ nhiều vấn đề lo ngại là không đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về nhiệt độ và không kiểm soát được khí thải phát sinh có thành phần độc tố gây hại hơn cho môi trường và sức khỏe người dân”, TS Cảnh nói. Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cho nhấn mạnh: “Bằng mọi giá, từ nay đến năm 2025 phải xử lý triệt để tất cả các điểm còn tồn lưu thuốc BVTV. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ khi mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1946 về việc xử lý triệt để và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2015, tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 240 điểm tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2016-2025, tiếp tục điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 95 điểm tồn lưu còn lại”. Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm đến môi trường xung quanh, di dời các hộ dân, công trình công cộng nằm trên các điểm ô nhiễm đến nơi an toàn.

Nguồn Đất Việt: http://khoahoc.baodatviet.vn/home/khcn/xu-ly-dut-diem-thuoc-bao-ve-thuc-vat-ton-luu/20118/164823.datviet