Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Nhiều cựu chiến binh trên địa bàn TP. Sông Công luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất đó được thể hiện bằng sự gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động, phong trào thi đua góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.

Trở về cuộc sống đời thường, mặc dù còn mang những vết thương do chiến tranh để lại, song nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn TP. Sông Công luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất đó được thể hiện bằng sự gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động, phong trào thi đua, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hưng (người ngồi giữa), ở tổ dân phố 1, phường Phố Cò, thường xuyên gặp gỡ đồng đội, chia sẻ về những hồi ức thời quân ngũ.

Qua thời binh lửa

Dù đã ngoài 90 tuổi, song ký ức hào hùng về những ngày tham gia kháng chiến vẫn vẹn nguyên trong ký ức của CCB Phạm Quang Dũng, ở tổ dân phố Làng Mới, phường Bách Quang. Ông kể: Vào quân ngũ năm 1948, tôi đảm nhận nhiều cương vị khác nhau, từ chiến sĩ nuôi quân, đến chiến sĩ thông tin, chiến sĩ trợ chiến, pháo thủ. Đáng nhớ nhất là những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy tôi đang làm nhiệm vụ ở Đoàn vận chuyển Việt Bắc (giao nhận vũ khí lên Điện Biên) thì được điều chuyển tham gia trung đội hỏa lực, trực tiếp đánh giặc trên đồi A1. Những trận chiến cam go, khốc liệt liên tục diễn ra, dù phải đối mặt với mưa bom, bão đạn, song tôi và đồng đội kiên quyết giữ vững từng mét hào, từng vị trí cố thủ, bắn phá cứ điểm đồi A1, yểm trợ cho đồng đội đào đường hầm đưa bộc phá vào sào huyệt của giặc Pháp…

Còn với CCB Nguyễn Đình Hưng (sinh năm 1954), ở tổ dân phố 1, phường Phố Cò, những năm tháng tham gia kháng chiến là quãng thời gian không thể nào quên. Ông nhớ lại: Năm 1973, sau khi nhập ngũ, tôi được biên chế vào Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc (Quảng Bình), sau đó di chuyển qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho các trận chiến. Những ngày xuyên rừng, phải ăn rau dại và chống lại bệnh sốt rét khắc nghiệt, song ai nấy đều kiên cường vượt qua, làm việc, chiến đấu với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Năm 1974, trong một lần tiên phong làm nhiệm vụ, tôi bị thương, mất 41% sức khỏe…

Câu chuyện của ông Dũng, ông Hưng cũng là câu chuyện của hàng trăm CCB trên địa bàn TP. Sông Công, những người đã vào Nam, ra Bắc tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Những người lính năm xưa, nay trở về cuộc sống đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng. Họ luôn sống trong những ký ức đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

TP. Sông Công hiện có trên 300 mô hình kinh tế, 36 doanh nghiệp, 3 xưởng sản xuất do hội viên Cựu chiến binh làm chủ; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Tỏa sáng giữa đời thường

Sau 33 năm rời quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Luyến, ở tổ dân phố Nguyên Bẫy, phường Cải Đan, đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập khá.

Để có được thành quả ấy, ít ai biết ông Luyến đã từng trải qua những ngày tháng gian khó lo toan cuộc sống gia đình. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông với diện tích trên 2.000m2 được duy trì ổn định, hiệu quả. Bình quân mỗi năm, trang trại xuất bán trên 300 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 400 triệu đồng.

Trang trại chăn nuôi gà trắng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Luyến, ở tổ dân phố Nguyên Bẫy, phường Cải Đan, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng 300 tấn gà, cho thu lãi trên 400 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn trồng hơn 400 gốc nhãn, mít, bưởi, cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Từ mô hình kinh tế này, ông đã tạo việc làm cho 3 lao động là con cháu CCB trên địa bàn, với mức thu nhập 6,5- 8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Luyến cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức về chăn nuôi, hỗ trợ vốn cho các hộ khó khăn; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, từ năm 2022, ông đã nhận đỡ đầu, trợ cấp mỗi tháng 300 nghìn đồng/tháng cho 1 cháu bé bị teo cơ bẩm sinh do nhiễm chất độc hóa học.

Ông Lã Văn Tài, Chủ tịch Hội CCB TP. Sông Công, chia sẻ: Cùng với ông Luyến, nhiều CCB trên địa bàn TP. Sông Công đã nêu cao tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ngoài ra, các CCB cũng luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2020 đến nay, các hội viên CCB thành phố đã đóng góp trên 1.200 ngày công lao động, trên 1,2 tỷ đồng và hiến gần 24.000m2 đất để sửa chữa, xây mới nhà văn hóa, làm đường bê tông, kênh mương nội đồng và nhiều công trình công cộng khác.

Dù mang nhiều thương tật do chiến tranh để lại, song CCB Nguyễn Huy Sướng, ở tổ dân phố 3, phường Phố Cò, vẫn luôn nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình vườn - ao - chuồng.

Điển hình trong số này là CCB Đồng Văn Nhường, ở xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên. Năm 2021, khi xóm đổ bê tông tuyến đường trục chính với chiều dài hơn 1km, gia đình ông đã tự nguyện hiến trên 300m2 đất để mở rộng tuyến đường từ 3m lên trên 5m; chung tay trồng hoa, cây xanh và lắp đặt đường điện chiếu sáng công cộng để tuyến đường thêm xanh, sạch, đẹp.

Ông Nhường chia sẻ: Tôi rất phấn khởi vì diện mạo của xóm đã có nhiều đổi mới, vui hơn khi trong đó có một phần đóng góp của gia đình mình.

Toàn TP. Sông Công hiện có trên 4.200 hội viên CCB, phần lớn là những người trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến. Sau ngày chiến thắng trở về, vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các CCB luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương.

Nhiều người tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, có những cống hiến, đóng góp cho quê hương, là tấm gương giáo dục truyền thống yêu nước, “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202309/xong-pha-thoi-chien-cong-hien-thoi-binh-ea70b6a/