Xôi ngũ sắc - sự gắn kết cộng đồng

Xôi ngũ sắc mang hương sắc đặc trưng của núi rừng, thể hiện sự cố kết đồng đồng keo sơn của các dân tộc anh em miền núi phía Bắc. Ở Cao Bằng xôi ngũ sắc mang hương vị đặc trưng riêng có, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và khác biệt so với những địa phương khác.

Xôi ngũ sắc trình bày kỳ công tại không gian các lễ hội truyền thống

Với người dân Cao Bằng để có được mâm xôi ngũ sắc phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến. Đầu tiên chọn gạo nếp nương, hạt to tròn, sàng xẩy kỹ đều hạt, nếu lẫn gạo vỡ xôi sẽ bị nát, sau khi lựa chọn gạo sạch, vo qua gạo để ráo nước. Tiếp theo là nguyên liệu tạo màu, để màu sắc sinh động, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Cao Bằng, người dân lựa chọn các loại cây rừng sẵn có, như màu hồng, tím sẽ được lấy từ lá cẩm, màu vàng dùng hoa bjoóc phón, màu xanh non của lá gừng, đậu biếc… Các loại lá cây sau khi rửa sạch, vẩy khô nước rồi cho vào nồi riêng từng loại, đun sôi lấy nước ngâm với gạo nếp, khoảng 2 - 3 tiếng rồi vớt gạo, để ráo nước, gạo nếp lúc này đã ngấm màu cơ bản.

Đặc biệt, xôi Cao Bằng có thêm màu đen nhánh từ lá cây sau sau, thường ra lá non vào dịp tháng 3 âm lịch, lựa chọn những lá bánh tẻ, giã mịn, hòa cùng nước, nấu sôi rồi lọc lấy nước và ngâm cùng gạo nếp, các mẹ các chị ngày nay bảo quản trong tủ lạnh có thể dùng được cả năm. Sau cùng là công đoạn đồ xôi, nếu là mâm xôi lớn phục vụ cho các lễ hội thường đồ riêng từng màu, còn nếu phục vụ cho riêng từng nhà có thể đồ chung các màu trong cùng một chõ xôi, nhưng phân cách giữa những mảng màu bằng một lớp lá chuối. Ngay từ cách đổ gạo vào chõ cũng thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm sao vừa tay tạo độ xốp, sau đó dùng đũa tạo thành một số lỗ thông hơi để xôi không bị bết dính.

Thành phẩm xôi đã chín có màu sắc rõ ràng, hạt xôi căng tròn, đều hạt, thơm mùi nếp nương dẻo quyện với các loại lá cây rừng, đặc biệt màu đen của cây sau sau hơi có vị lạ của rừng, nhai cảm nhận lại được vị ngọt ngào kích thích vị giác, khi ăn chấm thêm chút lạc, vừng rang vàng giã nhỏ. Còn trong các dịp lễ hội xôi ngũ sắc không thể thiếu bên những món ăn truyền thống như: thịt lợn, vịt quay vàng, cá suối, măng rừng, trứng kiến…

Chị Nông Thị Tươi, Thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) vui vẻ chia sẻ: Chúng tôi thể hiện tình yêu cuộc sống, khát vọng vươn lên từ mâm xôi ngũ sắc, các sắc màu của xôi tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; màu của núi rừng của cây cối và nương rẫy; thể hiện sự no ấm, phồn thịnh và cũng là mong ước cho cuộc sống yên bình của người dân.

Là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Thanh minh của người dân vùng cao.

Xôi ngũ sắc đã trở thành nếp sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Vào các dịp lễ hội, xôi được chuẩn bị từ rất sớm, rưng bày đẹp mắt trên các mâm cỗ. Sau khi hoàn thiện các công đoạn của lễ hội cộng đồng dân cư cùng nhau vui vẻ, thưởng thức các món ăn truyền thống, cùng cảm nhận sự gắn kết, sẻ chia … đó chính là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân nơi đây.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xoi-ngu-sac-su-gan-ket-cong-dong-3168437.html