Sân khấu kịch, xiếc tại TP.HCM: Khán giả đến xem kín rạp dịp lễ 30-4

Ngoài việc đi du lịch, xem phim thì đến sân khấu để xem kịch, xiếc cũng là lựa chọn của đông đảo khán giả tại TP.HCM dịp nghỉ lễ 30-4 này.

Trong những ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, bên cạnh nhiều lựa chọn như phim ảnh, du lịch thì sân khấu kịch, xiếc cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ cũng như các gia đình tại TP.HCM.

Chiều 30-4, chương trình Ngày xửa ngày xưa số 35 với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Huyền thoại mắt thần của Nhà hát kịch IDECAF đã chính thức ra mắt khán giả. Ảnh: THUẬN VĂN

So với những năm trước thì năm nay Ngày xửa ngày xưa số 35 ra mắt sớm hơn một tháng, với sự góp mặt cũng của nhiều nghệ sĩ như Đại Nghĩa, Hồng Ánh, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Tuyền Mập…

Theo chia sẻ của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, năm nay Ngày xửa ngày xưa số 35: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Huyền thoại mắt thần được đầu tư lên đến gần 200 bộ quần áo.

Mức kinh phí đầu tư cho vở diễn lần này lên đến 1 tỉ đồng cho khâu dàn dựng sân khấu, ánh sáng, âm thanh, cảnh trí…

Khán phòng Nhà hát Bến Thành kín chỗ ngồi, đông đảo phụ huynh và khán giả nhí vào chiều 30-4. Ảnh: VĂN HÀ

Về vấn đề vé bán cho các suất diễn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng tiết lộ vé hiện nay đã bán được hết 70-80% vé của 30 suất đầu.

Vì vậy ngay từ sớm, đông đảo khán giả đã đến rạp hào hứng chờ đợi được vào xem suất diễn đầu tiên của chương trình quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả.

Không chỉ các bạn trẻ, nhiều phụ huynh cũng đưa những em nhỏ đến thưởng thức Ngày xửa ngày xưa số 35.

Chương trình Ngày xửa ngày xưa mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Ảnh: VĂN HÀ

Trước đó, vào hôm 28-4, suất cuối cùng của vở kịch lịch sử Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử của Nhà hát kịch IDECAF diễn tại Nhà hát Thanh niên cũng chật kín khán giả.

Suất diễn cuối của vở kịch sử về Lê Văn Duyệt diễn ra vào hôm 28-4. Ảnh: VĂN HÀ

Không chỉ các bạn học sinh, sinh viên, khán giả trẻ, nhiều Việt Kiều Mỹ về nước trong dịp lễ này cũng đến thưởng thức vở kịch sử đang được gây chú ý trong thời gian qua.

700 ghế của Nhà hát không còn chỗ ngồi, phía sân khấu đã phải kê thêm rất nhiều ghế phụ ở lối đi. Ảnh: VĂN HÀ

Từng tràng vỗ tay vang dội theo từng câu thoại của các nhân vật, những giọt nước mắt rơi vì xúc động trong không khí hào hùng… Tất cả đã làm nên một đêm diễn tuyệt vời và đáng nhớ đối với nghệ sĩ lẫn khán giả.

Chia sẻ với PLO, đại diện của Nhà hát kịch IDECAF cho biết khá bất ngờ khi suất diễn cuối lại đông đến như vậy.

"Trong tháng 5 do tập trung vào chương trình Ngày xửa ngày xưa số 35 và kẹt hội trường nên chúng tôi sẽ trở lại với khán giả vào ngày 5-6 và 19-6" – đại diện nhà hát kịch IDECAF cho hay.

Khán giả dành những tràn vỗ tay cho màn kết của vở kịch sử trong suất diễn cuối cùng của tháng 4. Video: VĂN HÀ

Xem suất diễn cuối của vở về Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt qua lời giới thiệu của người bạn thân, Phạm Đặng Thiên Minh học sinh lớp 12D2 trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ với PLO bản thân cảm thấy vở rất hay và ý nghĩa.

"Vốn là người yêu thích lịch sử, qua diễn xuất của các cô chú anh chị nghệ sĩ đã truyền tải cho em nhiều hơn nữa lòng yêu nước cũng như nguồn cảm hứng dồi dào để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử nước mình.

Việc cho các bạn học sinh như em đến xem một vở kịch sử hay như vậy trong dịp nghỉ lễ 30-4 này cũng là phương pháp giảng dạy hay để chúng em hiểu hơn về lịch sử nước mình" – Thiên Minh bày tỏ.

Không chỉ sân khấu kịch, bộ môn xiếc cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cũng như các em thiếu nhi. Ảnh: VĂN HÀ

Cụ thể trong dịp lễ này, Nhà hát nghệ thuật phương Nam đã giới thiệu đến khán giả chương trình xiếc Ầu ơ – Thanh âm đầu đời (tác giả: Nguyễn Thanh Phương, đạo diễn: Phi Sơn, Bích Liên, Công Nguyễn).

Chương trình quy tụ 30 diễn viên xiếc với các tiết mục quen thuộc như giữ thăng bằng, chồng đầu, đi xe đạp tập thể đu dây, múa mâm, múa hoa đăng…

Tiết mục đi xe đạp tập thể. Ảnh: VĂN HÀ

Tuy nhiên, với lối kể mới mẻ khi kết hợp cùng âm nhạc dân gian cũng như tái hiện hình ảnh làng quê thanh bình hay bão lũ miền Tây… Hơn thế nữa, điều được đạo diễn Phi Sơn chú trọng chính là sự tương tác giữa khán giả và các nghệ sĩ xiếc.

Đông đảo phụ huynh đã đưa con em của mình đến thưởng thức những tiết mục xiếc thú vị. Ảnh: VĂN HÀ

Các em chụp hình lưu niệm cùng các nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ

Được biết, chương trình xiếc Ầu ơ – Thanh âm đầu đời cũng được tung ra sớm với 08 suất diễn trong dịp lễ này và sau đó sẽ trở thành chương trình chính để phục vụ cho thiếu nhi trong dịp hè.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-khau-kich-xiec-tai-tphcm-khan-gia-den-xem-kin-rap-dip-le-30-4-post788242.html