Xoay trục sang châu Á: Nga tăng tốc khi Mỹ 'phá sản'

Trong khi Nga nói chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ cơ bản đã phá sản thì Moskva đang từng bước hiện thực hóa chiến lược này của mình.

Nga hiện thực hóa

Theo trang Izvestia, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định thành lập Sư đoàn máy bay ném bom tầm xa tại Viễn Đông nhàm thực hiện bay tuần tra thường xuyên khu vực Thái Bình Dương bên trong tam giác Nhật Bản - Hawaii - đảo Guam.

Thành phần chính của sư đoàn máy bay mới này bao gồm những phi đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS cùng Tu-22M3. "Việc thành lập sư đoàn đã gần như hoàn thành. Nó bao gồm vài chục máy bay ném bom tầm xa được triển khai đến khu vực Irkutsk và Amur của quân khu phía đông và trung tâm", Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc đây là sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng thứ 2 của Nga sau khi sư đoàn gồm các máy bay Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3 đã hoạt động rất hiệu quả trong chiến dịch quân sự tấn công khủng bố tại Syria.

Động thái này của Nga được giới chuyên gia nhận định, Moskva đang từng bước hiện thực hóa chiến lược xoay trục sang châu Á của mình. Để thực hiện chiến lược này, theo Sputnik, hồi cuối năm 2015, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin tuyên bố Nga sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Máy bay Tu-22M3 - thành phần trong sư đoàn không quân mới của Nga.

Thứ trưởng Karasin nhấn mạnh: "Chú ý đặc biệt được dành cho vấn đề hội nhập Nga vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh những nỗ lực tăng cường phát triển vùng Viễn Đông và Đông Siberia.

Chúng ta tiếp tục xây dựng hợp tác toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, điều cho phép nói về sự hình thành liên minh công nghệ và năng lượng Nga – Trung". Ngoài ra, ông cho biết "mối quan hệ nhiều mặt với Ấn Độ và các nước khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được phát triển tích cực".

Thời gian vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định hợp tác với các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là hướng ưu tiên chiến lược của Moscow; đồng thời, Nga sẵn sàng làm tất cả để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với khu vực đầy tiềm năng này.

Năm 2014 có thể coi là năm bàn đạp quan trọng cho Nga “xoay” sang châu Á bằng con đường năng lượng. Thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị lên tới 400 tỷ USD thời hạn 30 năm mà Nga – Trung ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin.

Theo tờ Global Times của Trung Quốc, đòn trừng phạt và chia rẽ Nga – phương Tây đang khiến Moscow ngả nhiều hơn về phía Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Họ không chỉ lo ngại về thiệt hại kinh tế, hậu quả của quan hệ với Nga bị hủy hoại, mà lo ngại rằng Nga có đường đến với châu Á thuận lợi hơn.

Không chỉ là vấn đề kinh tế, cái mà Mỹ và phương Tây lo ngại là những cam kết về an ninh. Điển hình là Nga – Trung. Hai nước cuối tháng 12/2014 nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải, một động thái được coi là nhằm đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ và NATO gần biên giới Nga và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tài liệu được cho là của Cố vấn An ninh quốc gia Nga gửi Tổng thống Vladimir Putin khuyến cáo rằng trục châu Á của Nga nên tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng cách phát triển quan hệ gần gũi hơn với các nước châu Á khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.

Đặc biệt, Nga - Ấn cũng đã bắt tay về cả về thương mại và quốc phòng trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Putin vào ngày 11/12/2014. Ngoài ra, Nga cũng tăng cường quan hệ với một số nước tại khu vực Đông Nam Á.

Mỹ "phá sản"

Trong khi Nga đang từng bước hiện thực hóa chiến lược xoay trục của mình thì theo nhận định của Moskva, Mỹ đã thất bại trong chính sách xoay trục tại châu Á của mình, hãng thông tấn Sputnik của Nga đã đưa ra bình luận trên trong bài viết đăng tải hôm 16/9.

Minh chứng cho điều này, Sputnik dẫn lời hai nhà phân tích địa chiến lược bình luận về vấn đề Biển Đông - Mathew Maavak, Tom McGregor cho rằng: Washington hầu như điều một hạm đội để chống lại cái gọi là bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông với dự kiến, Philippines sẽ là một trục quân sự của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/xoay-truc-sang-chau-a-nga-tang-toc-khi-my-pha-san-3320330/