Xi măng Quang Sơn nợ nần, Xi măng Xuân Thiện xin vào quy hoạch

Một doanh nghiệp xi măng (XM) hàng đầu thế giới Holcim đã bán nhà máy XM tại Việt Nam vì thị trường XM Việt Nam thời gian tới không mấy dễ thở, kinh doanh ngày càng khó khăn. Ngành XM lại thêm một nhà máy kinh doanh thua lỗ phải tái cơ cấu và Hòa Bình lại xin bổ sung một nhà máy XM nữa vào Quy hoạch.

Thêm nhà máy XM thua lỗ, phải tái cơ cấu!

Trong vài năm gần đây, thị trường XM dư cung, cạnh tranh khốc liệt xảy ra, cuộc chiến tiêu thụ luôn làm đau đầu các nhà sản xuất XM. Hiện cả nước có 77 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất thiết kế đạt 81 triệu tấn/năm. Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành XM của Việt Nam sẽ chạm mốc 98.76 triệu tấn/năm khi một số dây chuyền sản xuất XM mới chính thức vận hành.

Trong cuộc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, những thương hiệu XM lớn có uy tín còn cảm thấy “bở hơi tai” thì nhiều nhà máy XM địa phương, XM nhỏ khó có thể trụ vững nếu không có chiến lược sản xuất, kinh doanh tốt.

Đơn cử như Nhà máy XM Quang Sơn, tiền thân là XM Thái Nguyên, được khởi công xây dựng cách đây 13 năm, sản phẩm được đưa ra thị trường cách đây 6 năm.

Mặc dù dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng trên thế giới, các công đoạn phụ trợ đều được cơ khí hóa, tự động hóa mức độ cao, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng. Nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động, nhà máy đã bị thua lỗ, không có nguồn trả nợ đầu tư, thiếu vốn sản xuất, đứng trước nguy cơ “bên bờ vực" phá sản.

Theo số liệu từ Vinaincon, năm 2014, XM Quang Sơn vẫn lỗ kế hoạch tới 240,8 tỷ đồng, lỗ kế hoạch năm 2015 là 210 tỷ đồng và dự kiến năm 2016 lỗ kế hoạch tiếp 282 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ của XM Quang Sơn cộng gộp lại kể từ khi đi vào hoạt động đã vượt 1.000 tỷ đồng.

Cũng giống như các một số nhà máy XM phải tái cơ cấu trước đây. Nguyên nhân khiến Nhà máy XM Quang Sơn có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn XM/năm thua lỗ là do gánh nặng trả nợ vốn và vay đầu tư quá lớn, vốn tự có chỉ có khoảng 5%, còn lại 95% là đi vay, thời gian đầu tư xây dựng nhà máy dài, sản phẩm ra đúng lúc thị trường tiêu thụ khó khăn… nên thời gian lỗ kế hoạch càng kéo dài.

Mặc dù vài năm gần đây, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của XM Quang Sơn đã khá lên nhưng sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn là con số âm. Theo số liệu từ TCty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) - chủ đầu tư dự án, năm 2014, XM Quang Sơn vẫn lỗ kế hoạch tới 240,8 tỷ đồng, lỗ kế hoạch năm 2015 là 210 tỷ đồng và dự kiến năm 2016 lỗ kế hoạch tiếp 282 tỷ đồng.

Việc cấp thiết đặt ra lúc này là phải tái cơ cấu nợ vay của XM Quang Sơn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo tái cơ cấu nợ vay của Cty TNHH MTV XM Quang Sơn thực hiện như đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 1895/BTC-TCDN ngày 02/02/2016 của Bộ Tài Chính. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể.

Cùng với đó, việc tái cơ cấu Cty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn và TCty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2338/VPCP-ĐMDN ngày 06/4/2016 của Văn phòng Chính phủ về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Hòa Bình xin bổ sung nhà máy XM

Trong khi có những nhà máy XM địa phương thua lỗ, phải tái cơ cấu, thị trường XM không mấy dễ thở thì vẫn có địa phương vẫn tiếp tục xin bổ sung dự án nhà máy XM vào quy hoạch.

Cụ thể, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, bổ sung thêm dự án Nhà máy XM Xuân Thiện có công suất 6,75 triệu tấn/năm và vùng nguyên liệu vào Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm XM Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Vũ Huyền

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/xi-mang-quang-son-no-nan-xi-mang-xuan-thien-xin-vao-quy-hoach.html