Xét xử vụ 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' tại Phú Yên: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự

Dự kiến, sáng 27/9, TAND Cấp cao tại khu vực miền Trung sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Quyền (SN 1963, trú tại phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, Phú Yên) về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Quyền một mực kêu oan. Còn các chuyên gia pháp lý thì nhận định, vụ án có dấu hiệu bị hình sự hóa.

Theo bản án sơ thẩm Số 9/2016 ngày 29/4/2016 của TAND tỉnh Phú Yên, từ nhiều năm trước, ông Quyền đã nhập xe máy đào (máy xúc), ô tô cũ đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Để có vốn kinh doanh, từ ngày 13/5/2010 đến ngày 18/4/2011, ông Quyền đã ký 15 hợp đồng thế chấp với ngân hàng gồm: 31 xe máy đào, 2 xe ô tô tải để bảo đảm nợ vay. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền, ông Quyền đã bán 17 xe đào, 2 xe ô tô tải (là tài sản bảo đảm khoản tiền vay trong các hợp đồng tín dụng) nhằm mục đích lấy tiền sử dụng cá nhân, dẫn đến không còn khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng số tiền 9,3 tỷ đồng (tròn số). Tòa nhận định, hành vi của bị cáo cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 140 Bộ luật Hình sự nên tuyên phạt bị cáo Quyền 20 năm tù giam.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quyền khẳng định mình không hề có mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng, việc bán một phần tài sản thế chấp là đúng các quy định của pháp luật. Sau khi bán, bị cáo dùng khoản tiền này để tiếp tục nhập khẩu các loại xe trên từ nước ngoài về Việt Nam để kinh doanh. Trong quá trình vay, doanh nghiệp vẫn trả lãi cho ngân hàng đúng hạn. Khi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đã đưa vào thế chấp bổ sung 16 xe mô tô loại Vento.

Đại diện VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng, tài sản thế chấp mang bán cho người khác mà không được sự đồng ý của ngân hàng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, lập luận này chưa đúng với quy định tại Khoản 3, Điều 349 Bộ luật Dân sự về “Quyền của bên thế chấp tài sản”. Theo đó, bên thế chấp tài sản có quyền: “Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán”.

Bảo vệ cho bị cáo Quyền, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp của ông Quyền đăng ký ngành nghề kinh doanh xe ô tô, xe cơ giới. Thực tế nhiều năm liền, ông Quyền đã nhập khẩu xe máy đào và ô tô về Việt Nam để mua, bán nên các xe này (tài sản đã thế chấp) là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đối chiếu với các quy định trên, việc bán tài sản trên không cần sự đồng ý của ngân hàng. Mặt khác, trong hợp đồng thế chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng, tại Điểm h (Mục 3.1) có ghi: “Được bán, chuyển nhượng một phần tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh với giá trị tương ứng (theo tỷ lệ cho vay so với giá trị tài sản bảo đảm) với số tiền đã trả nợ”.

Luật sư Hiệp nhận định: “Ông Quyền không có hành vi chiếm đoạt tài sản, trường hợp đến hạn trả nợ mà bị cáo không trả thì ngân hàng có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án dân sự để yêu cầu trả vốn và lãi. Trường hợp doanh nghiệp có khả năng mà không trả nợ sẽ bị cưỡng chế dân sự. Mặt khác, theo hợp đồng vay, việc trả nợ của doanh nghiệp cho ngân hàng được thỏa thuận là trừ tự động. Thực tế, ông Quyền đã nộp tiền vào tài khoản của công ty và đến hạn trả lãi, ngân hàng tự động trừ tiền trong tài khoản. Như vậy, bị cáo không chiếm đoạt tài sản ngân hàng, việc các cơ quan tố tụng khởi tố ông Quyền là có dấu hiệu của việc hình sự hóa các quan hệ dân sự. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc trả nợ của ông Quyền cho ngân hàng bị gián đoạn”.

Hy vọng rằng, những dấu hiệu bất thường trên sẽ sớm được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.

Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh được định nghĩa tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm như sau: “Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dùng để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm”.

Bình Minh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/xet-xu-vu-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-tai-phu-yen-co-dau-hieu-hinh-su-hoa-quan-he-dan-su-20160926094110986.htm