Xếp hạng đại học - còn nhiều băn khoăn

Tuần qua, trên báo chí và một số mạng xã hội nổi lên một sự kiện có nhiều ý kiến trái chiều, đó là việc công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học tại Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập sáu người, toàn là những nhà khoa bảng, mạnh dạn thực hiện một công trình nghiên cứu mà ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo ấp ủ lâu nay vẫn chưa thực hiện được.

Xếp hạng đại học là rất cần thiết trong tình hình phát triển đất nước hiện nay nhằm cung cấp thông tin cho nhiều thành phần xã hội có nhu cầu khác nhau. Với các trường đại học, nếu được soi rọi bằng các phân tích thuyết phục, đó sẽ là dịp nhìn lại chính mình cũng như xác lập vị trí trong mặt bằng giáo dục, qua đó tạo uy tín thu hút nhiều người học, có thêm nguồn tài chính đầu tư cho chất lượng.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, một bảng xếp hạng nghiêm túc sẽ giúp xác định tương quan năng lực các trường đại học để có quyết định hỗ trợ chính sách hoặc đầu tư ngân sách khả dĩ mang lại hiệu quả cao nhất trong việc “trồng người” và nếu cần thì đặt hàng đào tạo nhân lực.

Nói như vậy cũng có nghĩa là một bảng xếp hạng chưa đạt yêu cầu không chỉ gây ngộ nhận mà còn khiến xã hội hoang mang, phản tác dụng và nảy sinh các tiêu cực ngoài ý muốn của những người đã sinh ra nó. Trong chừng mực, đó là câu chuyện đang diễn ra chung quanh bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam. Đã có nhiều bài viết bàn về chỗ đứng của các trường đại học qua công trình nghiên cứu này với những dẫn chứng trực quan và kinh nghiệm thực tế, thể hiện sự hoài nghi đầy thuyết phục (chẳng hạn, trường Đại học Y dược TPHCM và trường Đại học Y dược Hà Nội lâu nay được tiếng là đào tạo nghiêm túc, cho ra trường nhiều bác sĩ giỏi, nhưng chỉ đứng thứ 40 và 44/49 trong nhóm tiêu chí giáo dục và đào tạo). Không ai hoài nghi về nhiệt tình và sự trong sáng của nhóm tác giả đối với nền giáo dục nước nhà qua ba năm “ăn cơm nhà vác ngà voi” không nhận thù lao bồi dưỡng và đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu. Thế nhưng chúng ta có quyền hoài nghi về tính chính xác của thông tin đầu vào. Dựa trên số liệu và thông tin “một nửa sự thật” - vốn là căn bệnh trầm kha trong công tác thống kê xứ ta - thì kết quả của công trình nghiên cứu là không đáng tin cậy.

Tiêu chí xếp hạng gồm ba nhóm: nghiên cứu khoa học (chiếm tỷ trọng 40%); giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Tiêu chí này được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, các trường đại học được tổ chức nghiêm túc, đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tế xã hội, một hệ thống dữ liệu được kiểm chứng và giám sát của nhiều định chế. Nhưng liệu tiêu chí này có phù hợp với một thực tế nền giáo dục của chúng ta đang lúng túng đi tìm lối ra, đa số trường đại học bị áp lực kinh doanh tấn công dưới hình thức “xã hội hóa”, hàng trăm ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề được đào tạo? Còn trong nghiên cứu khoa học thì thực tế là không ít công trình đạo văn, đạo ý hoặc thuê viết mà rất nhiều trong số này xuất hiện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế. Hiện nay, chủ nghĩa thành tích đã sản sinh những số liệu thống kê, báo cáo màu hồng và các tác giả công trình nghiên cứu đã đặt sự tin cậy vào những số liệu, báo cáo ấy.

Theo nhóm chuyên gia xếp hạng, nguồn dữ liệu quan trọng mà họ khai thác là báo cáo “Ba công khai” mà các trường để trên trang thông tin của trường (công khai các điều kiện cơ sở vật chất, công khai chất lượng đào tạo, công khai tài chính). Một chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng “chỉ những ai chưa làm “ba công khai” và hết sức thơ ngây mới dùng số liệu ấy để xếp hạng, trong khi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tỏ ra không tin cậy về độ trung thực của loại báo cáo này và đang muốn thay đổi.

Theo một thành viên của nhóm nghiên cứu, “trong quá trình thu thập dữ liệu, nhóm đã có công văn gửi đến các trường để yêu cầu xác minh có ghi rõ thời hạn cuối cùng, các trường không trả lời là lỗi của họ”. Đây không phải phong cách nghiên cứu mà là tác phong của cơ quan công quyền, nếu không muốn nói là một cách làm việc nặng phần quan liêu. Nếu có trường nào lạnh nhạt phản hồi thông tin thì có thể vì đây không phải là bổn phận của họ, đó là chưa kể biết đâu người ta không đặt niềm tin vào công trình nghiên cứu. Và trong trường hợp như vậy thì không nên đưa các trường này vào danh sách xếp hạng để không gây thiệt hại về uy tín của trường.

Gia Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164587/xep-hang-dai-hoc---con-nhieu-ban-khoan.html