Xem triển lãm tranh của hai cá tính trẻ

Chỉ trong một tuần lễ tại Hà Nội diễn ra hai triển lãm tranh của hai cá tính, hai họa sĩ trẻ Nguyễn Phạm Khánh An và Tèo Phạm.

Khánh An - cây cọ nhí Hội An

Sinh năm 2008, Nguyễn Phạm Khánh An xuất thân trong một gia đình có cha là họa sĩ, mẹ là một nhà thiết kế thời trang và trang sức. Ngay từ bé, Khánh An tiếp thu niềm đam mê nghệ thuật từ trong gia đình như một lẽ tự nhiên.

Họa sĩ Khánh An ( bên trái).

Khi đại dịch Covid trở nên tồi tệ hơn, gia đình Khánh An chuyển đến một ngôi nhà tranh hẻo lánh ở vùng nông thôn. Cha mẹ Khánh An khuyến khích cô tập trung vào hội họa. Và đó là những gì Khánh An đã làm với tất cả trái tim của mình.

Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lập thể, Khánh An bắt đầu loạt tranh acrylic đầu tiên của mình trên vải ở tuổi 13. Các chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày và những gì xuất hiện trong đầu, khiến Khánh An cảm động.

Niềm đam mê đó đã mang lại những trái ngọt đầu mùa bằng những cuộc triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, của Khánh An tại Đức và Hà Nội.

Không gian trưng bày tác phẩm.

Triển lãm finding myself – tôi đi tìm… tôi lần này, họa sĩ đã trưng bày giới thiệu 38 tranh đến với công chúng. Sống trong một thế giới đương đại luôn thay đổi từng ngày, thế giới nội tâm, những suy tư của một cô bé đang lớn, nên trong từng tác phẩm đều được cây cọ nhí Khánh An thể hiện đầy cảm xúc với những đường nét, mảng màu riêng biệt.

Có thể, khi xem từng tranh của Khánh An, công chúng sẽ cảm thấy có sự băn khoăn pha lẫn chút buồn của tuổi mới lớn. Cái nỗi buồn con trẻ khi một ước muốn nào đó chưa đạt được, kể cả khi chưa tự hiểu được chính mình. Và như một lẽ đương nhiên, cô bé phải tự "Đi tìm chính mình" (finding myself).

Nhưng trên hết, trong tranh Khánh An ta thấy được sự ngây thơ, hồn nhiên, pha chút lãng mạn của một thiếu nữ đang tuổi trăng tròn. Một tay cọ có năng khiếu bẩm sinh.

Các tác phẩm của họa sĩ Khánh An.

Cũng từ trong tranh của Khánh An, công chúng sẽ có cảm thấy có sự đồng điệu về mặt cảm xúc với tác giả bởi tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ xúc cảm trong tâm hồn mỗi cá nhân là những tác phẩm trong trẻo nhất, truyền cảm nhất và chân thật nhất.

Triển lãm Finding myself - Tôi đang tìm... Tôi của họa sĩ Nguyễn Phạm Khánh An diễn ra từ ngày 8-12.7 tại Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam (29 Hàng Bài-Hà Nội).

Tèo Phạm và những họa phẩm 'bài tiết tinh thần'

Tèo Phạm sinh năm 1996 ở Lâm Đồng, tốt nghiệp trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM năm 2020. Anh hướng tới phong cách thể hiện tự nhiên, ít gò bó về mặt kỹ thuật.

Xuất thân là một họa sĩ biếm họa, Tèo có thể chơi đùa với mọi chủ đề theo cách nhẹ nhàng mà không gay gắt hay cao siêu. Cái thiêng liêng, vì thế, được đem đặt cạnh sự bình dị có phần trần tục của con người; những khơi gợi về tín ngưỡng cổ xưa được đan lồng trong cá tính sáng tạo đầy hóm hỉnh; và các đường nét có phần thách thức lại hòa cùng tâm thế trân trọng những điều bé nhỏ của cuộc sống.

Với nguồn cảm hứng từ những nhà triết học như Martin Heidegger và Friedrich Nietzsche, những tác phẩm đầy màu sắc của Tèo Phạm để lại ấn tượng đầu tiên trong người xem với cụm từ “bài tiết”. Anh hướng tới lối sáng tác tự nhiên, chủ ý không can thiệp nhiều về mặt nội dung hay gò ép kĩ thuật, và gọi quá trình sáng tác của mình là bài tiết tinh thần - một cuộc bài tiết vĩ đại, ngụ ý tính tuần hoàn trong những gì tinh thần tiếp nhận rồi tạo ra, căn nguyên và kết quả.

Các tác phẩm của họa sĩ Tèo Phạm.

Tiếp nối triển lãm tranh Còn lại gì phía sau trực tràng? – Chương 1: Bữa tiệc của hệ tiêu hóa năm 2022, Tèo Phạm tiếp tục tổ chức buổi triển lãm tranh của mình với tên gọi Còn lại gì phía sau trực tràng? – Chương 2: Cuộc bài tiết vĩ đại. Thoạt nghe tên buổi triển lãm làm người xem dễ liên tưởng đến những điều nhạy cảm, khó nói nhưng thật ra câu chuyện đằng sau đó đầy nhân văn và thông điệp truyền tải tích cực.

Theo họa sĩ Tèo Phạm chia sẻ: “Ý tưởng chung phát triển từ tuyên ngôn "bài tiết tinh thần" của mình, tôi muốn nói về quá trình "ăn", "tiêu hóa", "bài tiết" của tinh thần mỗi người, vì mỗi người đều có cơ chế "bài tiết" khác nhau nên sẽ cho những cái nhìn khác nhau và nó cũng quan trọng không kém sự bài tiết sinh học.

Không gian triển lãm Chương 2: Cuộc bài tiết vĩ đại.

Chương 2: Cuộc bài tiết vĩ đại này, tôi muốn cho người xem có thể thấy được quá trình "ăn" và "tiêu hóa" của tinh thần là như thế nào, những thứ mình trưng bày chính là "chất thải tinh thần" của mình nhưng lại là "thức ăn tinh thần" của người khác, và từ đó có thể giúp mọi người tự nhìn nhận lại quá trình ấy của bản thân họ, hoặc đơn giản là đi xem vì nó vui thôi, nhỉ?”

Đến với triển lãm, công chúng sẽ có sẽ góc nhìn sâu hơn vào những mảng màu rực rỡ, phóng khoáng và nhiều năng lượng của Tèo. Mới đầu, chúng ta sẽ thấy vô cùng mơ hồi và khó hiểu bởi những nét vẽ có phần “quái dị” của họa sĩ, nhưng xem đủ lâu và biết rõ về câu chuyện đằng sau nó bạn sẽ thấy bức tranh trung thực, mộc mạc và rất thực tế.

Triển lãm cá nhân của họa sĩ Tèo Phạm tổ chức từ 9-13.8.2023 tại Mơ Art Space (tầng B3, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xem-trien-lam-tranh-cua-hai-ca-tinh-tre-40186.html