Xe phá sóng đặc chủng hoạt động như thế nào?

Xe phá sóng đặc chủng hộ tống xe chở khách VIP được sử dụng để vô hiệu hóa thiết bị điều khiển từ xa, bảo vệ sự an toàn cho đoàn xe.

Theo tạp chí quân sự Janes, xe phá sóng là một loại phương tiện an ninh bị hạn chế sử dụng, thường chỉ được triển khai hộ tống tại những sự kiện đặc biệt.

Loại xe chuyên dụng này thường dùng để hộ tống các đoàn xe quân sự, đoàn xe nguyên thủ hoặc nhân vật rất quan trọng nhằm vô hiệu hóa các loại bom mìn điều khiển từ xa, bảo vệ sự an toàn cho cả đoàn xe.

Xe phá sóng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại sự kiện APEC 2017 tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các sự kiện mà người dân có thể nhìn thấy loại xe này là lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2013, khi đoàn rước linh cữu của ông diễu hành trên đường phố Hà Nội khiến các đài truyền hình không thể tường thuật trực tiếp lễ tang, ngoại trừ kênh VOV sử dụng đường truyền hữu tuyến để gửi tín hiệu về trung tâm, không bị xe phá sóng tác động.

Trong các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama và sau này là ông Donald Trump, xe phá sóng luôn hiện diện, thường được bố trí đi giữa trong đoàn xe chở yếu nhân khi di chuyển trên đường.

Trong xe phá sóng, nội thất và các hàng ghế sau bị tháo bỏ, nhường chỗ để lắp đặt các thiết bị viễn thông chuyên dụng, có tác dụng làm nhiễu mọi loại sóng vô tuyến ở nhiều băng tần khác nhau, nhằm ngăn chặn việc kích nổ bom mìn hay vũ khí tự động điều khiển bằng tín hiệu vô tuyến.

Các loại máy có công suất tầm 10W có thể phá sóng trong bán kính 5 - 10m tùy điều kiện địa hình. Có những loại máy có thể phá sóng trong diện tích 1.000m2.

Về cơ cấu, thiết bị làm nhiễu sóng đặt trong một chiếc hộp kích cỡ tương đương chiếc vali xách tay, sử dụng nguồn điện 12V trên xe.

Hệ thống này có thể gây nhiễu sóng điện thoại (CDMA, TDMA, GSM, HGSM…), sóng vệ tinh, sóng radio bộ đàm và các băng tần mạng (WLAN, WiFi, Bluetooth).

Thậm chí sóng radio của các loại chìa khóa thông minh, thiết bị mở cửa cuốn hay điều khiển TV điều hòa cũng bị phá nếu rơi vào vùng gây nhiễu.

Trong quá trình hoạt động, bộ phá sóng sẽ rà quét các loại sóng vô tuyến trong bán kính hiệu lực, phát đi các tín hiệu gây nhiễu nhằm vô hiệu hóa dải sóng đó.

Ngoài ra, một loại thiết bị gây nhiễu cầm tay mà người dân có thể nhìn thấy khi lực lượng chức năng sử dụng ở các sự kiện đông người, được gọi là “súng bắn flycam”.

Thực chất đây cũng là bộ gây nhiễu đối với thiết bị điều khiển cầm tay (RC - Remote Control) của người điều khiển flycam.

Khi mất tín hiệu RC, buộc chiếc flycam phải tự động quay về vị trí đã cất cánh hoặc có thể rớt xuống đất.

Về phương tiện chuyên chở, hầu hết xe phá sóng là loại gầm cao, chạy đa địa hình và công suất lớn, dùng lốp đặc chủng.

Đặc điểm nhận diện là những chiếc xe này thường có nhiều ăng-ten gắn ngoài, thu nhận các loại sóng vô tuyến tại thực địa để thiết bị trong xe ghi nhận, đồng thời phát ra loại sóng làm nhiễu trong bán kính từ 2 - 250m bao quanh xe.

Giai đoạn 2014 - 2015, một số thiết bị phá sóng của súng bắn tốc độ chuyên dùng cho CSGT được nhập lậu về Việt Nam và bị hải quan cửa khẩu tịch thu.

Cơ quan hải quan Việt Nam xác định số hàng trên là các thiết bị điện tử đồng bộ của 5 bộ máy phá sóng.

Mỗi bộ gồm một hộp điều khiển và 4 cục cảm biến cùng các thiết bị phụ trợ, lắp trên xe ô tô để phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra từ súng bắn tốc độ của CSGT.

Những loại thiết bị phá sóng, cơ bản đều thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo Nghị định số 187/2013 của Chính phủ.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/xe-pha-song-dac-chung-hoat-dong-nhu-the-nao-d595030.html