Xe đạp

Từ cuối thế kỷ 19, theo chân người Pháp, xe đạp đã vào Việt Nam. Chiếc xe lúc đó là tài sản cao cấp, chỉ những nhà giàu hoặc làm việc trong chính quyền thực dân mới có. Khi đó, chiếc xe có giá trị ngang hoặc hơn cả một ngôi nhà khang trang, nên nhiều cụ ông quý xe như quý con.

Thời hoàng kim, xe đạp là phương tiện di chuyển chính của người Việt, là một trong những vật dụng gần gũi, luôn đồng hành và thăng trầm cùng lịch sử của người dân nước Việt, nhưng cách thức sử dụng, mục đích sử dụng và cách sở hữu chiếc xe thì khác nhau rất nhiều.

Vì vậy, ngay khi bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo xây dựng nhà máy sản xuất xe đạp. Những năm 1960, chiếc xe đạp thống nhất ra đời. Xe đạp Thống Nhất là một trong những biểu tượng công nghiệp đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Những năm dài kháng chiến chống Mỹ, 10 năm đầu đổi mới (trên phạm vi cả nước), xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu của cán bộ, người dân. Ai ở miền Nam vào năm đó chắc không quên hình ảnh những tà áo dài thướt tha, duyên dáng trên chiếc xe đạp nữ. Mỗi xe đạp được cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu, có biển số khung (gọi là giấy đăng ký). Giấy đăng ký và biển số được cất giữ cẩn thận hơn cả đăng ký ô tô bây giờ.

Xe đạp lúc đó khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là xe đạp Thống Nhất (dạng xe nam và xe nữ) do nước ta sản xuất. Ngoài ra, còn có một số xe nhập ngoại như Peugeot do Pháp sản xuất, xe Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe Nga, xe Đức, xe Tiệp… và sau này là những xe tự lắp với khung xe đem về từ miền Nam.

Trong thời kỳ bao cấp và đến cả những năm đầu đổi mới, xe đạp là phương tiện để chở người, chở đồ, chở hàng hóa ... Và cũng có chỉ ở Việt Nam, xe đạp được sử dụng là phương tiện tiếp lương, tải đạn cho tiền tuyến.

Tập đi xe đạp là ký ức tuổi thơ khó quên của nhiều người từ thập niên 60 trở về trước, hình như ở tuổi thanh niên là phải đi được xe đạp. Nhà có xe hay không có xe đều phải tập xe, mượn xe bạn bè mà tập.

Bản thân tôi và nhiều người lứa tuổi tôi ở quê đã thuê xe theo giờ để tập, mỗi giờ tập khoảng 3-5 hào (giá những năm 1964-1968). Hai ba anh em chung nhau tiền thuê, vừa là góp mới đủ tiền, vừa là để giữ xe hỗ trợ nhau tập.

Những đứa trẻ nhỏ thó, chân ngắn nên phải luồn chân qua cáng xe, vẹo hẳn lưng sang một bên để đạp xe (khi đó gọi đi kiểu chân chó), may vớ được xe đạp nữ thì cứ nhổm lên, nhổm xuống theo những vòng quay của bánh xe. Chân ngắn chưa ngồi được lên yên, nhưng ai cũng rất hăng say tập luyện.

Trẻ con ngày nay hình như thông minh hơn, giỏi hơn và vì cũng có nhiều xe đạp nhỏ, nên các cháu biết đi xe từ rất sớm và chuyện đi xe đạp cũng không còn quá quan trọng với trẻ con thành phố. Nếu có đưa trẻ con nào không đi được xe đạp thì bố mẹ chúng không quá bận tâm như việc nó học lớp nào, trường nào, năng khiếu gì?

Sự phát triển nhanh như vũ bão về lượng xe động cơ có nhiều ưu điểm, nhưng cũng kéo theo hệ lụy về tai nạn giao thông, tắc đường và ô nhiễm môi trường - tiếng ồn - khói bụi và tiêu thụ năng lượng.

Đã có nhiều người thấy bí bách, mệt mỏi trước sự lấn át của ô tô, xe máy; xuất hiện những cảm giác, ý tưởng thèm muốn một đô thị vừa hiện đại, vừa văn minh, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp vốn có thanh bình, thơ mộng, không khí trong lành. (Nghĩ lại ngày xưa tôi nhớ tôi thèm/Một làn gió mát lành không bụi bặm/Dòng suy nghĩ chìm sâu trong yên lặng/Hoàng hôn về trên cánh lúa xa xa).

Trong đầu người viết nảy ra ý nghĩ để bảo vệ môi trường - xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, nên chăng có một cuộc phát động cán bộ, công chức, viên chức đi làm bằng xe đạp ở thành phố Vĩnh Yên.

Với hơn 1.000 công chức, một ngày đi về có thể tiết kiệm 300 - 400 lít xăng (bình quân 6 km). Một năm sẽ tiết kiệm nhiều lít xăng, ngoài ra còn giảm tiếng ồn, ô nhiễm. Đây là bài toán không đơn giản, nhưng có thể là cơ hội để thú chơi xe đạp, tình yêu xe đạp của người dân Việt Nam có thêm lý do và động lực nối dài.

Xe đạp lại có thêm một vai trò và ý nghĩa riêng của nó đó là giảm tiêu thụ năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Lại được nhìn những tà áo dài duyên dáng bên những vòng quay chầm chậm của xe đạp.

Xe đạp là một phần ký ức không thể nào quên của người dân Việt Nam, đặc biệt là người thành phố với sự kiêu hãnh gian khổ nhưng hào hùng “Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới”.

Lê Dung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/75824/xe-dap.html