Xây lắp Thừa Thiên Huế có hàng trăm tỷ lợi nhuận chưa phân phối

Tính đến 30/6, Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế có nợ phải trả 357,2 tỷ, cao hơn cuối năm 2022 là 49,1 tỷ đồng.

Ông Lê Quý Định, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (HCC), mã chứng khoán HUB, đã ký báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2023 của Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế là 106,7 tỷ đồng, thấp hơn 19,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế 18,4 tỷ đồng, giảm 4,3 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 16,3 tỷ đồng, giảm 2,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 173,8 tỷ đồng, giảm 30,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 40,6 tỷ, giảm 4,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 34,4 tỷ đồng, giảm 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Quý Định nhận định, lợi nhuận Quý II/2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do lợi nhuận được ghi nhận của một số công ty con mà Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế có đầu tư vốn giảm dẫn đến lợi nhuận hợp nhất tại báo cáo tài chính của công ty mẹ giảm.

Tính đến 30/6, Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế đầu tư 162,2 tỷ đồng vào các công ty liên kết.

Trong đó, doanh nghiệp này đầu tư 19,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bê Tông và xây dựng chiếm 48% vốn điều lệ; đầu tư 138,6 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Men Frít Huế 29,137% vốn điều lệ; đầu tư 2,9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư phát triển hạ tầng chiếm 30% vốn điều lệ.

Ngoài ra, HUB còn đầu tư dài hạn 1,1 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Long Thọ chiếm 3,84% vốn điều lệ.

Tính đến 30/6, Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế có nợ phải trả 357,2 tỷ, cao hơn cuối năm 2022 là 49,1 tỷ đồng. Trong đó, nợ tăng chủ yếu là nợ ngắn hạn, cao hơn cuối năm trước 41,1 tỷ đồng.

Nợ dài hạn của doanh nghiệp tăng từ 105,3 tỷ đồng lên 113,3 tỷ đồng.

Tổng vốn HUB tăng từ 846,6 tỷ cuối năm 2022 lên 917,6 tỷ. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng từ 538,5 tỷ đồng lên 560 tỷ đồng; vốn góp của chủ sở hữu 228,6 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển 40,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến hơn 236,8 tỷ đồng; lợi nhuận cổ đông không kiểm soát 40,1 tỷ đồng; vốn khác của chủ sở hữu 13,9 tỷ.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm 30/6.

Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn thể hiện khoản tiền gửi tại các ngân hàng trong nước có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng đến 30/6 là 221,055 tỷ đồng, tăng so cuối năm 2022 lên đến 68,69 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản của doanh nghiệp chủ yếu ở Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, số tiền ghi nhận gần 92 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế được hình thành từ việc cổ phần hóa Công ty Xây lắp Thừa Thiên Huế, một doanh nghiệp Nhà nước, từ 2010. Công ty có trụ sở chính tại đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoạt động chính của Công ty mẹ và các công ty con là xây dựng các công trình dân dụng, các công trình công nghiệp, công cộng, thể thao, giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật…

Tại 30/6, nhóm Công ty có 1.262 nhân viên bao gồm 412 nhân viên thuê ngoài.

Mới nhất, ngày 5/9, doanh nghiệp thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 12, tăng vốn điều lệ từ gần 228,7 tỷ đồng lên gần 263 tỷ đồng do phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022.

DUY CƯỜNG - CÔNG ĐỊNH

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xay-lap-thua-thien-hue-co-hang-tram-ty-loi-nhuan-chua-phan-phoi-a625727.html