Xây dựng Vùng Thủ đô: Ưu tiên phối hợp trong 10 lĩnh vực trọng tâm

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trên cơ sở quy định liên quan đến vùng Thủ đô của Luật Thủ đô 2012 và các quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Chính quyền địa phương trong vùng Thủ đô có trách nhiệm phối hợp, huy động nguồn lực để thực hiện liên kết vùng; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô Hà Nội

Chính quyền thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt, thực hiện và huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trong vùng Thủ đô hoặc dự án đầu tư tại các tỉnh khác trong Vùng.

Dự thảo Luật nêu rõ, lĩnh vực phối hợp của vùng Thủ đô là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch; Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; Quản lý đất đai; Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải.

Không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô

Góp ý vào Dự luật, PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến không chỉ là mục tiêu phát triển của Thủ đô mà cần phải tính đến nhiều yếu tố khác. Đó là Vùng Thủ đô phải nhằm mục đích không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô.

Đồng thời, về mục đích thiết lập Vùng Thủ đô phải có nội dung phù hợp để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh ở thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Thủ đô để họ nhận thấy rằng việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của bản thân mỗi địa phương chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô.

Quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.

Quy định rõ để phục vụ phát triển Vùng Thủ đô bao gồm Ban chỉ đạo xây dựng phát triển Vùng Thủ đô và ban điều phối liên kết phát triển Vùng Thủ đô. Chức năng của Ban chỉ đạo là chỉ đạo công tác xây dựng thực hiện quy hoạch phát triển chính sách hỗ trợ phát triển, công tác phối hợp liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô để phục vụ sự phát triển bền vững của toàn vùng. Chức năng của Ban điều phối Vùng Thủ đô là tham mưu kế hoạch quy hoạch chính sách phục vụ sự phát triển của Vùng Thủ đô, tổ chức các hoạt động điều phối nguồn lực và liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Rõ vai trò, cơ chế, trách nhiệm của Thủ đô

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cần xác định rõ mối quan hệ giữa Thủ đô với các tỉnh thành của cả nước, đặc biệt là đối với Vùng Thủ đô. Vai trò, cơ chế, trách nhiệm của Thủ đô đối với Vùng Thủ đô nói chung và với các tỉnh khác nằm trong Vùng Thủ đô cần phải làm rõ trong Luật Thủ đô.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho rằng, Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm của hai quốc gia thành công trong việc xây dựng Vùng Thủ đô là Nhật Bản trong xây dựng vùng Thủ đô Tokyo và Hàn Quốc trong xây dựng vùng Thủ đô Seoul.

Nhật Bản là một quốc gia tương đối thành công trong phát triển vùng Thủ đô với vai trò tiên phong của thành phố Thủ đô Tokyo. Trong quy hoạch đô thị Tokyo 2016, thủ đô của nước Nhật hướng tới “phát triển thành một thành phố tiên tiến về môi trường với sự hấp dẫn và sức sống để trở thành hình mẫu cho thế giới”.

Với mục tiêu đó, vùng Thủ đô Tokyo hướng tới xây dựng mô hình “đô thị tuần hoàn” trong đó thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận sẽ cùng thực hiện các chức năng về kinh tế cũng như xã hội, xây dựng các tổ hợp đa chức năng nhỏ gọn quanh khu vực các nhà ga cũng như các địa điểm trung tâm khác trong thành phố.

Chính quyền Tokyo đã chỉ ra các biện pháp phải được thực hiện như bảo trì và phát triển sức sống đô thị, hiện thực hóa một thành phố phát triển hài hòa, bền vững song song với bảo tồn môi trường. Chính quyền đã công bố các cơ chế và kế hoạch quy hoạch đô thị được xây dựng dựa trên Quy hoạch đô thị.

Vùng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc được phát triển với hạ tầng giao thông được xem là điểm mấu chốt để phát huy vai trò dẫn đầu cũng như tăng tính kết nối giữa Seoul và các đô thị vệ tinh thuộc vùng Thủ đô Seoul. Cụ thể, các thành phố của khu đô thị được kết nối chặt chẽ với nhau bằng đường bộ và cả đường sắt.

Các dự án giao thông trong Vùng Thủ đô đang được chú trọng triển khai.

Cũng theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Dự thảo Luật Thủ đô cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô như giao thông liên vùng, đô thị xanh, đô thị tuần hoàn, đô thị số, đô thị thông minh… Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô và Vùng Thủ đô được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng công suất của nhà ga Nội Bài và các tuyến đường vành đai từ Hà Nội đi các thành phố/tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên…

Kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô

Theo PGS.TS. Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong 10 lĩnh vực phối hợp trọng tâm, cần bổ sung thêm 2 nội dung là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính hai nội dung này mới làm rõ vai trò tiên phong, chủ đạo, hình mẫu của Thủ đô hiện đại trong Vùng Thủ đô cũng như vai trò khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Bên cạnh đó, cần phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.

Quy hoạch Vùng Thủ đô cũng cần được gắn với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-vung-thu-do-uu-tien-phoi-hop-trong-10-linh-vuc-trong-tam-161539.html