Xây dựng văn hóa trường Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: 'Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản'.

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị. (Ảnh: Đài PT&TH Thanh Hóa)

Theo đó, văn hóa trường Đảng là phạm trù văn hóa của các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng, tạo dựng một môi trường văn hóa giàu tính Đảng có vai trò to lớn trong công tác “huấn luyện” đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và cả hệ thống chính trị có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn, trở thành một trong những nội dung, mục tiêu trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta ở mọi thời kỳ.

Văn hóa trường Đảng bao gồm toàn bộ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, giá trị, thói quen, lý tưởng, truyền thống... được thể hiện cốt lõi ở những chuẩn mực trong quy tắc ứng xử, giao tiếp trong thực thi công việc, trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên, học viên và người lao động. Những giá trị, chuẩn mực đó phản ánh bản chất khoa học, cách mạng, dân chủ và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng cùng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ngoài đặc trưng, bản chất nêu trên, văn hóa trường Đảng thuộc phạm trù của văn hóa tổ chức, văn hóa công sở nên việc thực thi các quy định, nguyên tắc ứng xử trong công việc, trong giao tiếp, trong trang phục thường ngày của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên và người lao động được tuân thủ bởi các điều lệ được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Quy chế văn hóa công sở, văn hóa công vụ.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của của việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ sở chính trị, pháp lý nhằm triển khai thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng.

Về chủ trương, kế thừa, phát triển Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, ngày 16/7/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu rõ: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”.

Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển văn hóa, con người nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng là: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.144), “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.146).

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần thực hiện thật tốt nhiệm vụ: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng, trong thời qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cụ thể như: Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”; Đề án Văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 733/QĐ-TTg, ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua trong cán bộ, công chức về xây dựng văn hóa công sở, giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đối với trường Đảng, nhằm phát huy chức năng, nhiệm vụ của trường Đảng và vai trò của văn hóa trường Đảng trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, ngày 10/10/2007 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2616/QĐ-HVCTQG Quy định về việc thực hiện văn hóa công sở tại Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 1659/QĐ-HVCT-HCQG ngày 26/6/2008 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, để tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới, ngày 26/10/2017, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG về việc Quy định ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thay thế Quyết định sổ 2616/QĐ- HVCTQG và Quyết định số 1659/QĐ-H VCT-HCQG).

Quyết định chỉ rõ, cụ thể đối tượng và phạm vi, nguyên tắc áp dụng cho toàn thể cán bộ, học viên đang công tác và học tập, nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các học viện khu vực, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi tắt là trường Đảng). Đây là căn cứ để phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, học viên trong công tác, học tập và rèn luyện; xây dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại, khoa học, nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đặc thù của trường Đảng.

Đặc biệt, với sự quan tâm xây dựng văn hóa Đảng trong hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường Chính trị chuẩn, gồm 6 nội dung, trong đó coi trọng việc xây dựng tiêu chí văn hóa trường Đảng kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Như vậy, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và các Quyết định, Quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa trường Đảng nói riêng là cơ sở quan trọng để hệ thống các Trường Chính trị và các Trung tâm Chính trị huyện, thị, thành phố tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Đảng, văn hóa công sở trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả thực sự về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Từ đó, đã tạo ra sức lan tỏa, nhân rộng không chỉ trong phạm vi Trường Chính trị và các Trung tâm chính trị, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống chính trị cấp cơ sở và ngoài xã hội. Những kết quả đạt được trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chăn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa’’ trong nội bộ gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong thời gian tới, để các Trường Chính trị và Trung tâm Chính trị tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng nhằm góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cụ thể sau:

Một là, quán triệt sâu rộng các chủ trương lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa Đảng, thực hiện tốt Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG, ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện về văn hóa ứng xử của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hai là, nghiên cứu ban hành, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa trường Đảng vào thực tiễn. Theo Quy chế và Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, đặc điểm của Trường Chính trị và Trung tâm chính trị cần tập trung xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa và tổ chức thực hiện tốt, tạo thành nếp văn hóa trường Đảng, hình thành được môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện. Ban hành nội quy, quy tắc ứng xử cho từng đối tượng cần cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Luật Cán bộ công chức, viên chức; đảm bảo theo đúng quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và phù hợp với đặc thù của cơ quan.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ, văn hóa trường Đảng nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, giảng viên, học viên về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, giảng viên, học viên theo chuẩn mực quy định.

Bốn là, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng. Kết quả thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng phụ thuộc nhiều vào sự nhận thức, năng lực tổ chức, điều hành của người đứng đầu. Người đứng đầu phải thật sự là tấm gương mẫu mực về văn hóa và đạo đức công vụ, giữ vững chuẩn mực trong đạo đức lối sống, giao tiếp, ứng xử,... coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống trường Đảng, giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Năm là, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ, văn hóa Đảng theo kế hoạch hoặc đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình để nhân rộng, khen thưởng, động viên kịp thời.

Xây dựng văn hóa trường Đảng thực chất là tạo dựng một môi trường văn hóa ngày càng giàu tính Đảng, phát huy giá trị văn hóa Đảng trong mọi hoạt động của các chủ thể nhà trường và làm lan tỏa các giá trị đó trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quá trình đó tiếp tục khẳng định sứ mệnh, uy tín, bản sắc văn hóa riêng của Trường Đảng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin; khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến, tài năng, trí tuệ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và sức mạnh đoàn kết của nhân dân - yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng cũng như sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

ThS, GVC Nguyễn Thị Vân

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Nxb Chính trị Sự thật, Hà Nội, 2021

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Văn hóa và phát triển, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021.

Quyết định về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn văn Nghị quyết trung ương 4 khóa XII.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/xay-dung-van-hoa-truong-dang-nham-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-can-bo/199385.htm