Bảo đảm an toàn trong khai khoáng

Thời tiết năm 2024 đang có nhiều diễn biến bất thường, dễ gây sạt lở, lũ quét. Để quá trình sản xuất ổn định và đảm bảo an toàn lao động, các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chuẩn bị, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên thiên tai, phòng ngừa sự cố.

Để đảm bảo an toàn, Mỏ đá Đồng Phú, xã Tân Long (Đồng Hỷ), thực hiện khai thác cắt tầng; tạm dừng sản xuất khi trời mưa.

Để đảm bảo an toàn, Mỏ đá Đồng Phú, xã Tân Long (Đồng Hỷ), thực hiện khai thác cắt tầng; tạm dừng sản xuất khi trời mưa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8 bãi thải, 15 hồ chứa quặng đuôi và gần 130 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác. Trong mùa mưa bão, đây là những địa điểm dễ xảy ra sự cố, gây mất an toàn đến tài sản và tính mạng của người lao động, như: sạt lở, vỡ đập, tràn bùn thải… Từ đầu tháng 4 đến nay đã xuất hiện mưa to, dông lốc ở một số địa phương nên nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất lớn. Vì vậy, các mỏ khoáng sản cần đặc biệt quan tâm hơn đến công tác phòng chống thiên tai.

Ông Nguyễn Bá Huynh, Phó Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), cho biết: Muốn khai thác, chế biến khoáng sản được ổn định lâu dài, việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và tại các hồ lắng chứa bùn thải, nước thải trong quá trình tuyển rửa quặng. Đối với Mỏ sắt Tiến Bộ, ngay từ đầu năm, đơn vị đã thành lập Tổ an toàn và môi trường, với gần 20 thành viên. Các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố đã được đơn vị tích cực triển khai. Trong thời điểm có mưa to, chúng tôi bố trí trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện sự cố để đưa ra phương án xử lý. Hồ Bàn Cờ (bể lắng) hàng năm được gia cố bằng việc mở rộng thân đập từ dưới chân lên và trồng cỏ để tránh sạt lở khi thời tiết mưa to…

Còn ông Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ, thông tin: Địa điểm khai thác lộ thiên của Mỏ than Phấn Mễ là moong than Làng Cầm đã đóng cửa và đang thực hiện hoàn thổ theo quy định. Còn đối với Bãi thải số 3, năm 2020 có dấu hiệu sạt trượt tại khu vực xóm Khuôn 1, xã Phục Linh. Đơn vị cũng đã đóng cửa và tiến hành trồng cây; đồng thời thường xuyên kiểm tra đánh giá để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố…

Qua tìm hiểu tại một số đơn vị khai thác khoáng sản, chúng tôi thấy, hầu hết các mỏ đều nghiêm túc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, có phương án ứng phó với sự cố.

Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương có lượng mỏ khai thác khoáng sản lớn, với hơn 20 mỏ đang hoạt động (chủ yếu là các mỏ khai thác đá). Ngay từ đầu mùa mưa bão, UBND huyện đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.

Ông Chu Đức Hậu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ, cho biết: Môi trường làm việc tại các mỏ khoáng sản thường nặng nhọc và nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất lớn, nhất là nguy cơ cao sạt lở khu vực khai thác lộ thiên, hầm lò, moong, bãi thải trong mùa mưa bão. Vì vậy, UBND huyện đặc biệt quan tấm đến vấn đề an toàn lao động và công tác phòng chống thiên tai tại các mỏ khoáng sản. Ngoài phối hợp kiểm tra bãi thải, bể lắng quặng đuôi và hoạt động khai thác tại các mỏ trên địa bàn, huyện cũng có văn bản yêu cầu các mỏ thực hiện nghiêm túc kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị nào thực hiện chưa tốt, chúng tôi đều nhắc nhở và yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Theo đại diện Sở Công Thương, hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương đi kiểm tra tại một số mỏ khai thác khoáng sản có nguy cơ sản lở trên địa bàn. Qua kiểm tra, các đơn vị cơ bản chấp hành nghiêm công tác đảm bảo an toàn và có phương án phòng ngừa, xử lý sự cố. Đồng thời, Sở cũng nhắc nhở, đôn đốc khắc phục những thiếu sót trong phòng chống thiên tai, sự cố. Hiện tại, các bãi thải lớn, bể chứa quặng đuôi, bùn thải của các mỏ khai thác khoáng sản cơ bản đảm bảo an toàn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202405/bao-dam-an-toan-trong-khai-khoang-5ad06c1/