Xây dựng văn hóa gia đình

Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội; tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Bởi thế, việc xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cần được quan tâm.

Văn hóa gia đình có sự biến động

Theo TS Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, văn hóa gia đình (VHGĐ) là hệ thống giá trị chuẩn mực đặc thù, điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (GĐ) và giữa GĐ với xã hội. GĐ Việt Nam có những đặc điểm, giá trị rất riêng, đó là lấy tình yêu thương, sự cố kết giữa các thành viên làm nền tảng; cách ứng xử giữa các thành viên trong GĐ thường dựa trên tình cảm, lòng nhân ái…

Gia đình là môi trường quan trọng nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Ảnh: Nhật Nam

Trên thực tế, trong các GĐ, thế hệ trước thường truyền dạy cho thế hệ tiếp nối cách giao tiếp, ứng xử nhân văn. Với đấng sinh thành, nuôi dưỡng mình thì phải biết “Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; với anh, chị em thì “Anh thuận, em hòa là nhà có phúc”, là “Chị ngã, em nâng”. Trong quan hệ vợ - chồng “Đốn cây ai nỡ đứt chồi/Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”, là “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Trong các mối quan hệ GĐ cũng như ngoài xã hội, người người phải biết “Kính trên, nhường dưới”…

Ngày nay, những khuôn phép ứng xử này vẫn được duy trì, nhưng không phải tất cả GĐ đều quan tâm uốn nắn cho các thành viên từ bé. “Guồng quay của xã hội hiện đại phần nào làm ảnh hưởng tới các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong GĐ. Không ít người làm cha, mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm do mải kiếm tiền. Do thiếu nền tảng đạo đức, do cha mẹ không gương mẫu, không ít người con trong GĐ làm việc trái luân thường đạo lý”, TS Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.

Nghiên cứu về lối ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong các GĐ ở những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nội hiện nay, PGS.TS Trần Đức Ngôn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: Đối với vị thành niên, cha mẹ dành sự quan tâm nhiều nhất tới việc ăn uống, chọn trường cho con, ít quan tâm đến việc giáo dục con tại nhà. Chỉ có 19% số GĐ được hỏi quan tâm giáo dục con cái tại nhà và chỉ có 8% GĐ quan tâm tới bạn bè của con. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là có tới hơn 40% trẻ vị thành niên không nghe lời cha mẹ trong việc chọn bạn, cách ăn, mặc; 28% không nghe lời khi bố mẹ giao việc nhà…

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Học viện Quản lý giáo dục), VHGĐ đang có sự xung đột giá trị giữa một bên là các giá trị truyền thống và một bên là các giá trị mới, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. “Những yếu tố như quan hệ, tiền tệ, địa vị, lợi ích, bằng cấp, chức tước đang chi phối tâm tư, tình cảm, hành vi của các bậc phụ huynh - người đóng vai trò chính trong việc tạo dựng VHGĐ”.

Thực tế cho thấy, VHGĐ đang có sự biến động và việc xây dựng VHGĐ là đòi hỏi tất yếu, khách quan.

Xây dựng hệ chuẩn mực mới

Theo TS Lê Thị Bích Hồng, để xây dựng VHGĐ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích tác động của nền kinh tế thị trường đến các mối quan hệ trong GĐ; chủ động xây dựng những chuẩn mực và giá trị GĐ mới, phù hợp với xã hội hiện đại.

Đồng quan điểm nói trên, GS Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển) gợi ý: Những chuẩn mực mới về GĐ có thể là sự kết hợp giữa các quy chuẩn về đạo đức với quy định của pháp luật. Những quy định của pháp luật là cơ sở bảo đảm cho việc phát triển quy chuẩn về mặt đạo đức. Ngược lại, những quy chuẩn đạo đức tạo động lực tinh thần, ý thức tự giác cho việc tuân thủ những quy định của pháp luật. Song song với việc xây dựng chuẩn mực mới, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đưa nội dung giáo dục GĐ vào chương trình giáo dục phổ thông, nhằm giáo dục cho thế hệ sau nguyên tắc “tình nghĩa” khi xử lý các mối quan hệ trong GĐ.

Tương tự, TS Nguyễn Thị Phương Lan (Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đề xuất một số tiêu chí văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi là: Kính trên, nhường dưới; kính trọng, lễ phép; hiếu thảo; quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên; chăm lo đời sống vật chất, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần… Theo TS Nguyễn Thị Phương Lan, nước ta hiện có hơn 8,6 triệu người ở độ tuổi từ 60 trở lên (gần 10% dân số). Tỷ lệ người cao tuổi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc củng cố và xây dựng VHGĐ, bởi thế, việc xây dựng tiêu chí ứng xử đối với người cao tuổi cần được quan tâm và ưu tiên.

Đất nước đang trên đà hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, tất yếu sẽ hình thành các mô hình GĐ mới, trong đó có GĐ đa văn hóa, đa sắc tộc. Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng VHGĐ thông qua các tiêu chí vừa có sự kế thừa các giá trị chuẩn mực truyền thống, vừa phù hợp với xã hội đương thời được các nhà khoa học khẳng định là một trong giải pháp hữu hiệu để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thu Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gia-dinh/864967/xay-dung-van-hoa-gia-dinh