Xây dựng văn hóa chính trị phải chú trọng đào tạo cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

Bàn về giải pháp xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng phải chú trọng xây dựng con người, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: Phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 15-NQ/TW và để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày 26/8/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội.

Trong những năm qua, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thành phố Hà Nội quan tâm.(Ảnh: Nguyễn Quang)

Trong những năm qua, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thành phố Hà Nội quan tâm.(Ảnh: Nguyễn Quang)

Bàn về xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị hiện nay, góp ý tại kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, PGS.TS Đặng Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, vấn đề xây dựng, thực hành văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị cấp cơ sở đã và đang được Đảng, Chính phủ nói chung và lãnh đạo thành phố Hà Nội nói riêng đặc biệt quan tâm, khẳng định yêu cầu cấp thiết và đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng.

Hà Nội đã xây dựng tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo” - một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đồng thời trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ. Trong đó, Thành ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, đào tạo kỹ năng thực tiễn cho cán bộ nguồn quy hoạch; ban hành Quyết định “về đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị Thành phố”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức.

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025”. Mục tiêu của Chương trình là hướng đến năm 2025, thành phố Hà Nội có thể “xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố thực sự gương mẫu, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực và uy tín; được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngang tầm nhiệm vụ được giao; là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách và nét đẹp văn hóa ứng xử của công dân Thủ đô...

Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Hoài Thu cũng nhận định, hiện nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận cán bộ, công chức. Muốn xây dựng văn hóa trong chính trị, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động chính trị, từ những công dân của nhà nước pháp quyền đến cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ, được giao trọng trách ở các cấp, các ngành. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về văn hóa và xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trên cơ sở phát huy tối đa năng lực và nhận thức của các cá nhân trong hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức chính trị cần củng cố thường xuyên các mối quan hệ bên trong - bên ngoài của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ chính trị nhằm nâng cao uy tín của hệ thống chính trị cấp cơ sở thành phố Hà Nội hiện nay…

Cũng góp ý giải pháp xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, TS. Lê Thị Khánh Ly, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào một số giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, hướng tới nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải nâng cao văn hóa chính trị.

Muốn nâng cao văn hóa chính trị, tổ chức Đảng các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, giáo dục để cán bộ, đảng viên trong từng cơ quan, đơn vị nhận thức rõ yêu cầu, giải pháp rèn luyện văn hóa chính trị.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách và lâu dài…

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xa-y-du-ng-va-n-ho-a-chi-nh-tri-pha-i-chu-tro-ng-dao-tao-ca-n-bo-dam-lam-da-m-chi-u-tra-ch-nhie-m-155744.html