Xây dựng tuyến, điểm du lịch ở Bình Liêu, Quảng Ninh

Huyện miền núi Bình Liêu sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng vô số những nét văn hóa bản địa nguyên vẹn, đặc sắc. Dựa vào những lợi thế đó, vài năm trở lại đây, Bình Liêu đã tích cực khai thác tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, việc xây dựng tuyến, điểm du lịch tại đây được đánh giá là một trong những giải pháp đột phá để du lịch Bình Liêu “cất cánh” trong tương lai.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Từ lâu, mỗi khi nhắc đến Bình Liêu, người ta nhớ ngay đến mảnh đất núi rừng hoang sơ nhưng không kém phần tươi đẹp với những cánh đồng bậc thang lúa chín vàng, những rừng quế thơm nồng, rừng hoa sở nở trắng xóa một vùng. Không chỉ sở hữu nhiều thắng cảnh như thác Khe Vằn, bãi “Đá thần” ở núi Cao Ba Lanh, thác Khe Tiền, đỉnh núi Cao Xiêm…, nơi đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nét văn hóa, bản sắc truyền thống của những bản làng dân tộc thiểu số Tày, Dao và Sán Chỉ. Bình Liêu có rất nhiều phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, như lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hát Sán Cố của người Dao, nghi lễ Then cổ của người Tày… Những điệu hát đối, hát giao duyên bằng các làn điệu dân ca của dân tộc và những trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh quay, đánh cù đã tạo nên nét độc đáo, đặc trưng riêng có cho mảnh đất vùng biên này.

Thác Khe Vằn - một trong những thắng cảnh đẹp ở Bình Liêu.

Với những ưu thế về tự nhiên, văn hóa như vậy, Bình Liêu sớm đã được ví như một hình ảnh Sapa thu nhỏ ở Quảng Ninh. Nhận thấy được tiềm năng phát triển du lịch ở đây, Công ty TNHH MTV Du lịch Nam Phong đã tiến hành khảo sát những cảnh quan thiên nhiên, như thác Khe Vằn, núi Cao Ba Lanh cùng một số sản phẩm du lịch khác như bản làng dân tộc, văn hóa dân gian, ẩm thực địa phương… Trên cơ sở đó, đơn vị này đã quyết định xây dựng tuyến, điểm du lịch để phục vụ đối tượng du khách ưa thích tour khám phá, tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số và cảnh quan thiên nhiên, nhất là khách châu Âu. Trong hành trình 2 ngày 1 đêm đến với Bình Liêu, du khách sẽ có dịp được thăm thú, khám phá những nét độc đáo, mới lạ của các điểm tham quan chính (thác Khe Vằn, bản Khe Vằn, bản Sú Cáu, núi Cao Ba Lanh, ruộng bậc thang…); thưởng thức một số món ăn truyền thống (xôi 7 màu, miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, canh rau rừng…) cùng những làn điệu dân gian mượt mà (hát Soóng Cọ, hát Then - đàn Tính, hát Sán Cố…). Trong năm nay, tour du lịch này sẽ chủ yếu khai thác du khách châu Âu, đến năm 2015 mới bắt đầu khai thác khách du lịch nội địa và một số thị trường nói tiếng Hoa. Hiện Công ty đã liên kết với một số công ty lữ hành quốc tế đón khách du lịch tàu biển châu Âu sang du lịch Việt Nam tầm cuối tháng 9. Theo đó, dự kiến, tuyến du lịch Hạ Long - Bình Liêu sẽ khởi động vào thời gian này...

Cần thêm sự đầu tư

Hiện việc khai thác và phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Bình Liêu vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng hiện có. Nguyên nhân chủ yếu là bởi sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, vệ sinh môi trường, dịch vụ du lịch. Huyện chưa có các điểm phục vụ ăn uống chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm để phục vụ du khách số lượng lớn. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn tương đối nhỏ, nên các xe du lịch từ 35-45 chỗ di chuyển gặp khó khăn. Nhiều đoạn đường đến các điểm tham quan là đường đất, không đảm bảo ATGT, không thể di chuyển bằng xe cơ giới mà phải đi bộ. Chưa có sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương v.v..

Ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Phong cho rằng: Bình Liêu có đủ khả năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trước mắt, huyện cần tập trung lựa chọn, quy hoạch và đầu tư tôn tạo những điểm du lịch, sản phẩm văn hóa đặc sắc để xây dựng thành điểm nhấn hấp dẫn trên tuyến. Chẳng hạn như quy hoạch một số ruộng bậc thang có vị trí đắc địa, thuận tiện cho du khách thưởng ngoạn; tôn tạo và đảm bảo vệ sinh nguồn nước tại thác Khe Vằn; hoàn thiện một số bản làng hội tụ các bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh tuyên truyền, quảng bá, Công ty đang tập trung kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách du lịch đến đây.

Còn theo ông Đoàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Sở VH-TT&DL Quảng Ninh): Để tuyến du lịch mới được triển khai thành công, Bình Liêu cần khai thác đúng trọng tâm, trọng điểm những lợi thế của địa phương; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho những doanh nghiệp tiên phong khai phá, phát triển du lịch địa phương. Từ những tiềm năng hiện có, việc tập trung đi sâu khai thác du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi đúng để tuyến du lịch mới này nói riêng cũng như ngành du lịch huyện nói chung phát triển bền vững./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=26334