Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng phương tiện cơ giới đường bộ: Không dễ thực hiện?

Mặc dù hiện tại, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, song không ít DN ô tô, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã lo về lâu dài đây có thể trở thành “rào cản” khiến các DN khó khăn trong NK.

Thông tư mới ra đời nhằm đáp ứng kỳ vọng bảo đảm giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước được đối xử như nhau trong việc kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, tạo ra hàng rào kỹ thuật bảo đảm an toàn chất lượng. Ảnh: NGUYỄN HÀ.

Khổ vì Thông tư cũ

Năm 2012, Bộ GTVT ban hành Thông tư 19/2012/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân NK ô tô. Theo đó, Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân NK sẽ do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp và đây là một trong những điều kiện bắt buộc phải có để DN có thể NK. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ký.

Từ ngày 1-7-2016, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Thông tư 19/2012/TT-BGTVT hết hiệu lực thi hành. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN cho biết, do Thông tư 19/2012/TT-BGTVT đã hết hiệu lực, từ 1-7, cơ quan Đăng kiểm không tiến hành cấp mới hoặc gia hạn Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Điều này khiến các DN có Giấy chứng nhận đã hết hạn không thể gia hạn và nếu muốn xin cấp mới cũng đành “bó tay”. Dự kiến, từ năm 2017 tới nếu tình trạng chưa có gì biến chuyển, rất nhiều DN ô tô cả NK chính hãng lẫn không chính hãng đều không thể tiếp tục NK do vướng khâu này.

Không chỉ với Thông tư 19/2012/TT-BGTVT, Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục NK xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống cũng hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

Mặc dù đã hết hiệu lực, nhưng trên thực tế, các DN NK ô tô vẫn đang phải "chịu" các quy định của Thông tư 20, lý do, theo Bộ Công Thương là vì hiện chưa có văn bản thay thế quản lý vấn đề này. Điều đáng lưu ý là ngoài quy định nhà NK phải có "Giấy ủy quyền chính hãng" của nhà sản xuất, Thông tư 20 còn quy định DN NK phải có “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện" do Bộ GTVT cấp. Và như đã nói từ 1-7-2016, cơ quan Đăng kiểm không tiến hành cấp mới hoặc gia hạn Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.

Vì vậy hiện, nếu DN nào mới NK ô tô hoặc hết hạn Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô dù có "Giấy ủy quyền chính hãng" của nhà NK cũng sẽ không đủ điều kiện NK ô tô vì không đáp ứng quy định phải có "Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô".

Đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi hai thông tư liên quan sát sườn đến các quy định về NK xe ô tô nêu trên hết hiệu lực thi hành, hiện không hề có văn bản nào thay thế. Như vậy, vô hình trung, công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này đang bị “bỏ trống”, khiến các DN ô tô nhấp nhổm, “đứng ngồi không yên”.

Thấp thỏm vì Tiêu chuẩn mới

Nằm trong kế hoạch xây dựng từ năm 2015 và dự thảo mới nhất được lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị liên quan kể từ cuối tháng 8-2016, đến nay, Bộ GTVT đang ở giai đoạn cuối hoàn thiện Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Mặc dù hoàn toàn độc lập và không đóng vai trò thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGTVT, tuy nhiên nhiều DN cũng đang lo ngại nếu mang nội dung khắt khe, đây sẽ là một trong những điểm cản trở DN NK.

Tại Dự thảo mới nhất, một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của các DN là yêu cầu về mặt bằng và các khu vực của cơ sở. Dự thảo nêu rõ, mặt bằng tổng thể của cơ sở bao gồm nhà xưởng, phòng điều hành, kho phụ tùng, đường giao thông nội bộ, khu vực tiếp nhận, bàn giao xe, nơi tập kết rác công nghiệp, các khu vực khác (nếu có). Trong đó, đối với xe ô tô con, ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống, ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ đến 3,5 tấn, xe bốn bánh có gắn động cơ thì kích thước tối thiểu tại nơi tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng sửa chữa thân vỏ (gò, hàn) và sơn là là 3,5x6m. Riêng kích thước tối thiểu của khu kiểm tra xuất xưởng là 4x8m.

Phát biểu tại cuộc họp góp ý cho Dự thảo mới đây tại Bộ GTVT, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An đề nghị Ban soạn thảo đưa nội dung cụ thể, riêng biệt về vị trí làm việc của cơ sở. Ví dụ, DN có thể lựa chọn sơn một nơi, xưởng sửa chữa một nơi khác nhau. Lý do ông Tuấn đưa ra là tại Hà Nội, để thuê được một diện tích lớn làm mặt bằng đầy đủ cho cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa không hề đơn giản. Nếu cứ áp theo đúng tiêu chuẩn đặt ra, các DN quy mô vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được để đạt Tiêu chuẩn quốc gia.

Đáp lại ý kiến này, ông Nguyễn Đông Phong, Phó Trưởng phòng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Tiêu chuẩn đưa ra là mức tương đối tối thiểu, dựa trên việc tham khảo của nhiều hãng ô tô. Không văn bản nào thỏa mãn được mọi đối tượng nên sẽ phải có DN không thể đáp ứng. Đồng quan điểm với ông Phong, bà Vân Anh, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng, nếu để các vị trí thuộc cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa quá tản mát thì về mặt quản lý Nhà nước rất khó để xem xét, đánh giá. “Đây là Tiêu chuẩn quốc gia, có thể 10-20 năm nữa vẫn áp dụng nên không thể để tủn mủn quá. DN nào cảm thấy thực hiện được thì mới áp dụng chứ không bắt buộc”, bà Vân Anh nói.

Làm được thì như Trung tâm Đăng kiểm?

Ngoài vấn đề diện tích, vị trí cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, một trong những vấn đề quan trọng nêu trong Dự thảo là các trang thiết bị, dụng cụ tối thiểu phải có. Mục 3.3.3 của Dự thảo nêu rõ, thiết bị kiểm tra xuất xưởng cần có gồm: Thiết bị kiểm tra độ trượt ngang; thiết bị kiểm tra góc đặt bánh xe (đối với các loại xe có hệ thống treo độc lập); thiết bị kiểm tra góc quay lái của bánh xe dẫn hướng; thiết bị kiểm tra lực phanh trên các bánh xe; thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước và thiết bị kiểm tra khí thải (phù hợp với loại nhiên liệu xăng hoặc diesel sử dụng cho xe).

Đại diện cho Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký VAMA bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối với các yêu cầu đặt ra. Ông Chấn lý giải, hiện nay nhiều cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa không có các thiết bị nêu trên. Bởi vậy, khi xe hỏng, ví dụ riêng việc chỉnh phanh, chỉnh xong thợ phải đem xe ra đường thử, kiểm tra góc lái cũng phải làm tương tự. “Nếu các cơ sở trang bị đầy đủ những thiết bị nêu trên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, tránh được không ít hệ lụy”, ông Chấn nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, ông Tuấn lại có cái nhìn trái ngược khi cho rằng, nếu đáp ứng được đầy đủ như trên thì một cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng không khác gì một Trung tâm Đăng kiểm. Đơn cử như riêng thiết bị kiểm tra khí thải, khi DN NK ô tô đã được cơ quan Đăng kiểm kiểm tra khí thải rồi mới cho NK, lưu hành. Vậy thiết bị kiểm tra khí thải đưa vào cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa là lãng phí.

“DN phải đi từ bé đến lớn, các nội dung đưa ra cần xem xét để hầu hết các DN đáp ứng được chứ không chỉ để DN lớn làm được. Điều DN lo ngại nhất là những nội dung trong tiêu chuẩn có thể trở thành quy chuẩn hoặc được dẫn chiếu vào các văn bản pháp luật khác, gây khó khăn cho DN trong NK”, ông Tuấn nói.

Đại diện cho Ban soạn thảo Dự thảo, ông Phong lý giải: “Chúng tôi đã tham khảo một số nước tiên tiến trước khi xây dựng các nội dung này. Xe không phải tự nhiên được đem vào trạm kiểm định mà trước đó phải có giấy bảo dưỡng, sửa chữa rồi. Khâu kiểm định chỉ là để chỉ ra xe đạt hay không đạt. Các loại thiết bị này, cơ sở của các hãng đều có, chỉ những DN nhỏ mới thường bỏ ra. Bởi vậy, các DN cũng cần cân nhắc xem xét kỹ chứ không nên phủ quyết toàn bộ”.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT): Chưa thể đưa ra thời điểm ban hành Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn quốc gia cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sau khi được công bố, có áp dụng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của DN. Nếu trong Luật, Nghị định hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác có hướng dẫn DN phải áp dụng theo các nội dung trong tiêu chuẩn thì cũng là sự áp dụng gián tiếp.

Trong trường hợp xây dựng quy chuẩn về vấn đề này thì quy chuẩn cũng có thể chỉ là một phần nội dung nêu trong tiêu chuẩn. Quy trình ban hành quy chuẩn phải lấy ý kiến, thẩm định rồi mới ban hành. Lúc đó, DN hoàn toàn có quyền đóng góp thêm ý kiến cho sát sườn. Đối với các vấn đề mà DN nêu ý kiến, trước mắt Vụ Khoa học công nghệ nói riêng, Bộ GTVT nói chung sẽ xem xét thêm để hoàn thiện Dự thảo đảm bảo hài hòa các yếu tố.

Dự kiến, thời gian tới, sau khi Bộ GTVT hoàn thiện Dự thảo Tiêu chuẩn sẽ chuyển sang để Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, ban hành. Hiện tại, cơ quan chức năng chưa thể đưa ra thời điểm chính xác ban hành Tiêu chuẩn.

Thông tư kiểm tra chất lượng xe NK: Sẽ không “dễ” với DN.

Liên quan tới các quy định về NK xe ô tô, thông tin tại Hội thảo Thuận lợi và thách thức của ngành kinh doanh, sản xuất ô tô trong bối cảnh hướng tới cạnh tranh tự do và vai trò điều tiết của Nhà nước do Báo Hải quan phối hợp với Tập đoàn LeBros tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Tô An-Trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Thực hiện theo các quy định hiện hành, ô tô đang được NK tương đối dễ dàng.

Thực tế hiện nay, có một số nhà NK đặt hàng xe chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận thì khi NK vào Việt Nam, để được cấp giấy chứng nhận xe cơ giới NK chỉ phải thử nghiệm về an toàn và khí thải (nhưng không có yêu cầu về hồ sơ thiết kế). Trong khi đó, đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước có yêu cầu về hồ sơ thiết kế rồi tiến hành thẩm định, kiểm tra, thử nghiệm theo quy định; thực hiện việc đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP). Nếu đạt được các yêu cầu theo quy định thì mới được cấp giấy chứng nhận.

Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới NK mới để đảm bảo tạo ra hàng rào kỹ thuật phù hợp công tác quản lý, tạo bình đẳng giữa xe NK và xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Khi Thông tư này có hiệu lực sẽ tác động tới tất cả các DN NK, kể cả chính hãng và không chính hãng. Ô tô phải có kiểu loại và sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, mỗi quốc gia đưa ra phương thức khác nhau phù hợp với văn hóa lưu thông trên thị trường, chuỗi tham gia sản xuất. Hàng hóa về Việt Nam phải đảm bảo về chất lượng. Ô tô cũng vậy, phải đáp ứng các quy chuẩn tại Việt Nam mới được đưa ra lưu hành, sản xuất lắp ráp.

Ông An cho rằng: Khi Thông tư có hiệu lực sẽ tác động đến hầu hết các nhà NK, đặc biệt là các nhà NK chính hãng và xe NK từ Trung Quốc. Vì đây thường là các lô hàng được đặt hàng riêng đưa về Việt Nam tiêu thụ, các mẫu xe này chưa được cơ quan có trách nhiệm của nước sản xuất công nhận. Khi đó DN NK sẽ phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn. Đơn cử như một DN chuyên nghiệp như Toyota Việt Nam cũng phải mất 6 tháng mới chuẩn bị được các yêu cầu này.

Ngoài quy định nêu trên, Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về hậu kiểm. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ, cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người NK và phương tiện.

Nguyễn Hà (thực hiện)

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xay-dung-tieu-chuan-co-so-bao-duong-phuong-tien-co-gioi-duong-bo-khong-de-thuc-hien.aspx