Xây dựng thiết chế phục vụ người lao động trong khu công nghiệp (Kỳ 1)

Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân (CN) ở các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 đề ra mục tiêu: Đến năm 2015 có 70% số CN và người sử dụng lao động được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 50% số CN được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có KCN hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CN. Chỉ còn hơn ba năm nữa Đề án kết thúc nhưng câu hỏi bao giờ những khoảng trống trong đời sống tinh thần, vật chất của CN được lấp đầy vẫn còn bỏ ngỏ.

Bài 1: Khi chủ nhân chỉ là… khách mời

Ngay tại những nơi xây dựng các mô hình về thiết chế văn hóa, việc thu hút CN tham gia sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động văn hóa, tinh thần hướng đến CN thường mang tính mùa vụ. Số công nhân lao động (CNLĐ) tham dự những sự kiện “đến hẹn lại lên” cũng khiêm tốn. Vô hình trung, CN - chủ nhân chính, lại đang “thụ hưởng” một cách thụ động chứ chưa được phát huy khả năng sáng tạo văn hóa trong chính không gian sống của mình.

Những khoảng trống chưa được lấp đầy

Theo thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hệ thống công đoàn cả nước có 30 Cung văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa lao động trực thuộc LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư; khoảng 20 nhà văn hóa lao động cấp huyện, quận thuộc LĐLĐ thành phố, gần 100 nhà văn hóa CN trong các doanh nghiệp (DN) truyền thống của ngành than, khoáng sản, gang thép, cao-su...

Nhưng trên thực tế, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ còn rất hạn chế. Lý do thì nhiều: Người lao động (NLĐ) mải miết tăng ca, kiếm thêm thu nhập; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xa nơi ở, nơi làm việc. Nhiều nơi có trụ sở nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, không được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ để NLĐ có thể sử dụng. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) còn nhiều yếu kém, bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa còn thiếu, năng lực trình độ, nghiệp vụ hạn chế... không đủ để tạo ra sức sống cho các nhà văn hóa, khu vui chơi dành cho NLĐ.

Theo Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản, trong 16 KCN-KCX của Hà Nội, mới chỉ có ba trong số tám KCN có điểm sinh hoạt văn hóa, chưa có nhà văn hóa nào trong toàn KCN. Các điểm sinh hoạt văn hóa ít ỏi này không thể đáp ứng nhu cầu của gần 140 nghìn CNLĐ đang làm việc tại đây. Theo các cán bộ công đoàn KCN ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trong khi KCN thường nghèo nàn các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ NLĐ thì trên địa bàn huyện, các hoạt động văn hóa - thể thao được địa phương từ huyện tới các xã duy trì, phát động khá thường xuyên. Và, thi thoảng, CNLĐ tại các DN được tham dự với tư cách... khách mời.

Một Chủ tịch công đoàn cơ sở ở KCN Phú Nghĩa (Hà Nội) cho rằng, CNLĐ hiện còn quá ít thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí. Phần lớn các DN đều huy động CN làm việc khoảng 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Vì thế, NLĐ chỉ còn thời gian nghỉ ngơi để phục hồi thể lực sau ngày làm việc chứ không nghĩ đến việc gì khác. Bên cạnh đó, DN chỉ quan tâm tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh nên không muốn hoặc chỉ dành rất ít thời gian cho các hoạt động ngoài sản xuất của NLĐ. Công đoàn cơ sở tại DN dù muốn tạo điều kiện cho CNLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… cũng “ngại” đề xuất với chủ DN. Số liệu báo cáo và qua khảo sát của các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cho thấy, tỷ lệ DN thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho CN ở KCN còn thấp. Chỉ có 28% DN tổ chức các cuộc giao lưu, liên hoan nghệ thuật, hội diễn văn nghệ; 31% số DN tổ chức luyện tập, thi đấu thể thao; 49% số DN tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; 29% DN tổ chức tham quan du lịch; 21% số DN duy trì hoạt động của các câu lạc bộ theo sở thích.

Lực… bất tòng tâm

Mục tiêu của Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN-KCX đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 nhằm xây dựng môi trường văn hóa DN lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đội ngũ CN có nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Góp phần xây dựng các DN phát triển ổn định và bền vững. Mục tiêu tốt đẹp là vậy, nhưng trên thực tế, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” hằng ngày luôn đặt nặng lên vai NLĐ. Vì thế, họ ước mơ có được ngôi nhà nhỏ để an cư, lạc nghiệp, những bữa cơm đủ dinh dưỡng, có nhà trẻ gửi con, siêu thị bán hàng ưu đãi, phòng y tế kịp thời khám, chữa bệnh… trước khi mong muốn được tận hưởng nhu cầu giải trí, tinh thần.

Cả nước hiện có khoảng 212 KCN - KCX đang hoạt động, thu hút 2,8 triệu lao động, chiếm một phần năm tổng số CNLĐ trên cả nước nhưng mới có 46 KCN hình thành tổ chức công đoàn. Thế nhưng, không phải tổ chức công đoàn nào cũng có trụ sở làm việc ngay trong KCN. Có nơi được bố trí nhưng xa KCN - KCX, vì thế tổ chức công đoàn ở một số nơi còn bị chia cắt, chưa thống nhất. Một số công đoàn cơ sở do công đoàn các KCN-KCX quản lý, chỉ đạo toàn bộ. Một số lại do LĐLĐ cấp huyện quản lý toàn bộ hoặc một phần.

Theo báo cáo thực trạng đầu tư các thiết chế nói chung phục vụ NLĐ trong các KCN-KCX của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các thiết chế này chỉ đáp ứng chưa đầy 10% nhu cầu nhà ở của NLĐ, 1 đến 2% về nhà trẻ, hầu hết do DN tự xây dựng hoặc địa phương đầu tư. Các thiết chế do công đoàn xây dựng hầu như chưa có. Trong khi đó, chính những thiết chế này lại là yếu tố quan trọng để tổ chức công đoàn tuyên truyền giáo dục, cổ vũ, động viên NLĐ gắn bó hơn với DN, địa phương. Đây thật sự là những khoảng trống lớn, gây bất lợi cho hoạt động công đoàn trong việc vận động, tuyên truyền NLĐ trở thành đoàn viên, gắn bó lâu dài với tổ chức của mình.

Một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách phát triển hệ thống này còn gặp nhiều khó khăn: chưa xây dựng được cơ chế, chính sách, thiếu sự phối hợp của hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương, thiếu quỹ đất sạch, vốn xây dựng. Việc đầu tư một cách bài bản, đồng bộ các thiết chế hầu như chưa có. Chỉ một số ít DN FDI quan tâm đầu tư nhà trẻ, nhà ở, nhà sinh hoạt công cộng cho CNLĐ nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của NLĐ trong DN đó.

Chi phí thuê nhà trọ hằng tháng chiếm phần nhiều trong đồng lương ít ỏi của CNLĐ. Trên thực tế, một số DN xây nhà ở, ký túc xá miễn phí hoặc thu một phần nhỏ chi phí phục vụ NLĐ mà CN cũng không muốn vào. Bởi một trong những bất cập hiện nay trong việc xây nhà ở cho NLĐ tại các KCN - KCX là nhà ở không đồng bộ với hạ tầng xã hội, như: đi liền với nhà ở cần phải có nhà trẻ, trường học, siêu thị, trạm y tế, nhà văn hóa. Việc thuê nhà trọ không những không bảo đảm điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, chỗ ở chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, mà còn tiềm ẩn và nảy sinh tệ nạn xã hội, nguy cơ tha hóa một bộ phận CNLĐ, là điều khó tránh khỏi. Đã đến lúc cả hệ thống chính trị cần nhìn thẳng vào thực tại này.

(Còn nữa)

Theo một nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn: khoảng 28% số CN có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng, chạy theo đồng tiền, đua đòi, lãng phí; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Đây là một phần hệ lụy của việc thiếu các thiết chế văn hóa, nhà ở, cơ hội học tập… tại các KCN-KCX.

Dự kiến đến năm 2025, số lao động sẽ làm việc tại các KCN -KCX sẽ lên tới hơn 3,5 triệu lao động, gần gấp hai lần so với hiện nay. Như vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động tăng từ 1,2 triệu lên tới hơn 1,7 triệu người; về nhà trẻ từ hơn 850 nghìn lên hơn 1,2 triệu lao động…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31356902-xay-dung-thiet-che-phuc-vu-nguoi-lao-dong-trong-khu-cong-nghiep.html