Xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là phù hợp, có ý nghĩa chiến lược

Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp phù hợp, là cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược.

Sáng nay, 27.3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị đã thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Các ĐBQH cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công nghiệp. Trong đó, mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm động viên công nghiệp, sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm, đồng thời mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình.

Về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hiện đang đưa ra 2 phương án. Phương án 1: đề xuất hình thành Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật bổ sung 1 Điều (Điều 20 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phương án 2: không quy định về Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vì chưa phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Tán thành với phương án 1, các ĐBQH cho rằng, việc xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp phù hợp, là cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, theo đại biểu, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mà ít được bố trí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, muốn tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển thì việc bổ sung quy định về Quỹ này nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp quốc phòng, an ninh nước nhà.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu rõ đây là một nội dung mới so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng lựa chọn phương án 1 vì Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh có tính đặc thù và khác so với tất cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đại biểu đề nghị, cần quy định đặc thù hơn so với quỹ tài chính ngoài ngân sách khác vì Quỹ này chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp, quốc phòng, an ninh mới, nằm trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia.

Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 20 dự thảo Luật quy định Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ là cần thiết để bảo đảm việc sử dụng quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Quy định rõ hơn về Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật lần này đã lược bỏ các Điều quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan (Điều 64, 65, 66 và 68); bổ sung Điều 6A quy định về cơ chế chỉ đạo liên ngành về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bày tỏ đồng tình, ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhấn mạnh, việc chỉnh lý và bổ sung như vậy là hợp lý. Bởi, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù cần có sự tham gia liên ngành của nhiều bộ, ngành; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của các cấp, các ngành theo đúng chủ trương của Đảng; bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần giải thích và làm rõ hơn việc quy định như vậy còn là kết quả tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước ta cũng như học tập kinh nghiệm thế giới.

Mặt khác, thực tế hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban và một số bộ trưởng là Ủy viên để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Có ý kiến đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và làm rõ hơn nữa tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc, kinh phí... để làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi và thiết thực.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/xay-dung-quy-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-la-phu-hop-co-y-nghia-chien-luoc-i364367/