Xây dựng 'phần xanh' để chống dịch

Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp khiến việc đi chợ mua thực phẩm đã được xã X tổ chức một cuộc họp chuyên đề tìm giải pháp hiệu quả nhất. Nguyên nhân là do thời gian qua, việc sử dụng phiếu đi chợ phát sinh nhiều bất cập, chưa giải quyết được triệt để tình trạng đông người tại chợ, các cửa hàng tiện lợi.

Người dân đi mua hàng tuân thủ giãn cách để phòng, chống Covid-19

Cuộc họp “nóng” ngay khi nhiều người đề nghị được phát biểu trước để hiến kế. Đại diện thôn 1 cho rằng: Nếu mua thực phẩm thì ai cũng muốn đi chợ sớm để lựa chọn hàng tươi ngon nên khoảng từ 6 đến 8 giờ 30 phút tại chợ, các cửa hàng tiện lợi rất đông, nguy cơ lây bệnh rất cao. Đề nghị các thôn phát phiếu theo khung giờ từ 6-7 giờ/lượt và từ 8-9 giờ/lượt. Mỗi người chỉ được phép đi, về trong 90 phút.

Đại diện thôn 2 cho rằng: Nếu thôn nào cũng áp dụng như vậy thì lượng người của 10/10 thôn dù chia 2 ca như vậy vẫn đông. Thậm chí tâm lý bà con lo khan hiếm thực phẩm, sẽ mua nhiều để tích trữ, người đi sau sẽ không còn hàng. Thôn 2 đề nghị bà con cử người đại diện đi chợ, 1 người có thể mua cho 10 hộ, hoặc phát huy vai trò của shipper tình nguyện. Mỗi nhà sẽ gửi menu cho người đại diện, sau khi đi chợ về, người mua mang tới cổng từng nhà và nhận tiền qua tài khoản.

Còn vị đại diện thôn 3 cho rằng, việc này rất khó vì người đại diện sẽ không thể cầm từng phiếu của mỗi hộ đi mua được. Còn nếu trước khi đi chợ, người đại diện phải cộng tất cả menu lại, theo từng mónhàng để mua một lượt, thì khi về lại phải chia ra sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn chưa kể chuyện tế nhị như nhầm lẫn tiền, hàng, chuyện đắt, rẻ, ngon, không ngon, nhanh, chậm gây hiểu lầm mất đoàn kết.

Vậy nên, việc cử đại diện đi chợ sẽ khó khăn bởi chẳng ai “dại gì mà ôm rơm nặng bụng”, mà đâu phải chỉ đi một, hai lần, vừa mất thời gian, lại gánh trách nhiệm.

Lúc này, vị đại diện thôn 4 lên tiếng: Đề nghị vài tiểu thương bán rong trên các đường xóm, thôn và tăng lượng hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu người mua. Tiểu thương tới cổng nhà ai, nhà nấy mua theo ý của mình. Phương pháp này sẽ giải quyết được nhiều hạn chế. Và tất nhiên, tiểu thương phải đảm bảo được các vấn đề an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Hơn 1 giờ đồng hồ, các ý kiến nêu ra đều có lý với tinh thần trách nhiệm cao. Chủ tọa kết luận nhấn mạnh: Việc họp bàn đi chợ là bất đắc dĩ, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân. Mục tiêu là hạn chế tiếp xúc đông người nhưng vẫn đảm bảo có thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, đề nghị mọi nhà cần phải bỏ qua những tính toán vụn vặt cùng chính quyền lo đại cục phòng dịch. Do vậy, thống nhất 5 ấp có dân cư đông, tập trung sẽ cử đại diện tổ tự quản đi chợ với chu kỳ 3 ngày/lần. Các ấp còn lại dân cư ít, sống rải rác sẽ phát phiếu cho từng hộ. Việc bố trí thời gian phải đảm bảo thống kê được trong từng khung giờ có khoảng bao nhiêu người đến chợ, cửa hàng, trên cơ sở đó điều chỉnh phù hợp để quản lý.

Để ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phải xây dựng “phần xanh” của mình. “Phần xanh” đó chính là suy nghĩ và hành động tích cực cùng toàn tỉnh đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân đều là chiến sĩ và ở nhà cũng là góp phần chống dịch.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/126012/xay-dung-phan-xanh-de-chong-dich