Xây dựng Nghị định mới gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân

Nghệ nhân TP Hà Nội được phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân nhân dân', 'Nghệ nhân ưu tú' trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3. Ảnh: ITN.

LTS: Qua 3 đợt thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP để triển khai công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn không ít bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ…

Năm 2014, khi Nghị định số 62/2014/NĐ-CP được ban hành và đi vào cuộc sống với 3 đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (năm 2016, 2019, 2021), đến nay, cả nước có 131 Nghệ nhân ưu tú được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Trong đó, năm 2016 có 617 Nghệ nhân ưu tú; năm 2019 có 66 Nghệ nhân nhân dân và 570 Nghệ nhân ưu tú; năm 2022 có 65 Nghệ nhân nhân dân và 563 Nghệ nhân ưu tú.

Sự tôn vinh này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên Huế được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.

Tồn tại, bất cập

Tuy nhiên, một số tồn tại và bất cập được đặt ra từ thực tiễn trong gần 10 năm thực hiện việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú”” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể được thực hiện sát thực, kịp thời mang ý nghĩa quan trọng. Cũng bởi, đây là sự ghi nhận và tôn vinh những cá nhân trong cộng đồng đang nắm giữ các loại hình diễn xướng dân gian tiếp tục gắn bó, sưu tầm, gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Theo báo cáo đánh giá về tác động của chính sách này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay có Nghị định số 62/2014/NĐ-CP (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực triển khai công tác xét tặng) và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP (Bộ Công thương là cơ quan thường trực triển khai công tác xét tặng) cùng được áp dụng để đề nghị xét tặng danh hiệu này.

Vì vậy, có sự chồng chéo, trùng lặp khi đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì.

Khi đó, đối tượng cùng một hồ sơ đề nghị xét tặng có thể thực hiện hai quy trình thủ tục và hướng đến cùng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

Cùng với đó, trên thực tế, chuyên gia uy tín và hiểu một cách sâu sắc về loại hình diễn xướng dân gian cũng như có con mắt xanh đánh giá một cách chính xác về sự cống hiến của cá nhân nào đó thường là người tâm huyết và có sự gắn bó dài lâu, bền bỉ, trực tiếp cùng cộng đồng diễn xướng. Vì vậy, đương nhiên họ không thể thiếu trong Hội đồng xét danh hiệu cấp tỉnh.

Thế nhưng, quy định về thành viên tham gia Hội đồng các cấp ở Nghị định số 62/2014/NĐ-CP có sự bất cập, chưa phù hợp với thực tế, gây ra khó khăn cho việc mời thành viên tham gia Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Cụ thể, tại điểm g khoản 3 Điều 7 quy định: “Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước”.

Quy định này khiến cho Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và cấp Nhà nước thiếu đi những thảo luận, đánh giá sát với thực tế của các chuyên gia uy tín được cộng đồng trao gửi sự tin tưởng cả về chuyên môn và nhân cách.

Bên cạnh đó, việc kê khai hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cũng còn nhiều khúc mắc. Về phía nghệ nhân, nhiều hồ sơ kê khai rất sơ sài, nội dung chung chung, khó phân biệt được sự đóng góp của từng người trong cùng một thôn, xã hoặc câu lạc bộ.

Bản tóm tắt thành tích của Hội đồng cấp tỉnh chưa thể hiện rõ tri thức và kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ cũng như quá trình thực hành di sản của họ. Cụ thể là còn thiếu các mốc thời gian trong quá trình thực hành, thời gian bắt đầu truyền dạy học trò...

Trong khi, do điều kiện kinh tế, không phải nghệ nhân nào cũng có điều kiện quay video, chụp hình về quá trình sinh hoạt, trao truyền của mình với cộng đồng. Phần đông âm thầm cống hiến, truyền dạy mà ít quan tâm đến việc lưu lại bằng chứng, hoặc cũng có song rất ít.

Thế nhưng, trong Nghị định số 62/2014/NĐ-CP lại đưa ra quy định xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng phải có minh chứng như: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng... Vì vậy đã có không ít hồ sơ bị loại vì không đủ tính thuyết phục do thiếu nhiều minh chứng, dù rằng bản thân nghệ nhân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Truyền dạy hát ca trù ở Chanh Thôn, Nam Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: ITN.

Đề xuất tháo gỡ

Qua những bất cập được đưa ra từ thực tiễn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra các đề xuất cụ thể trong báo cáo đánh giá như: Thống nhất đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; đồng thời, làm rõ khái niệm “nghệ nhân”.

Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP. Trong đó, không xét các cá nhân đã được đào tạo qua trường lớp chính quy để có được thêm các kỹ năng, bí quyết và đã thoát ly khỏi hoạt động cộng đồng.

Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng, giao Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Từ cơ sở pháp lý quan trọng này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giải pháp: Giữ nguyên như quy định hiện hành và hoàn thiện đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng và các quy định về hồ sơ theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Đề xuất này được đánh giá cả về những tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật, giới khi so sánh với giải pháp giữ nguyên như quy định pháp luật hiện hành (Nghị định số 62/2014/NĐ-CP).

Đối với quy trình xét tặng tại Hội đồng các cấp cùng với việc thống nhất trong việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu đang sinh sống và làm việc thì cần xem xét điều chỉnh quy định về việc đăng tải danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng một lần trước khi họp ở từng cấp Hội đồng.

Đồng thời đề nghị xem xét điều chỉnh quy định về thành viên Hội đồng các cấp, nhất là cần bỏ việc quy định “Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước”.

Bộ cũng đề nghị sửa đổi một số quy định như: Thành phần, cơ cấu Hội đồng các cấp theo hướng giảm bớt đại diện các cơ quan hành chính; tăng thành phần các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành đạt 2/3 trong tổng số thành viên Hội đồng để đảm bảo chất lượng của công tác xét tặng danh hiệu và chất lượng hoạt động của Hội đồng.

Sửa đổi quy định tỷ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng (tham khảo tương tự như Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”): “Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên (Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định: Hội đồng tổ chức phiên họp khi có 75% thành viên).

Trình diễn hát xoan ở Phú Thọ. Ảnh: ITN.

“Quy định này thể hiện rõ trách nhiệm của các cá nhân là thành viên của Hội đồng trong tham dự cuộc họp. Việc các thành viên có mặt tại cuộc họp sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến nhận xét đánh giá, thảo luận từng hồ sơ; việc bỏ phiếu sẽ chính xác và khách quan hơn”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, với ý nghĩa quy định tỷ lệ phiếu làm sao vẫn khẳng định và tôn vinh được giá trị của danh hiệu và phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nên cần sửa đổi quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng (tham khảo tương tự như Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”): “…Đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp” (Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định: Được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý và thành viên Hội đồng vắng mặt phải xin ý kiến bằng phiếu).

Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP.

Đồng thời, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian đáp ứng các tiêu chuẩn được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và bảo đảm cho các quyền, nghĩa vụ này được thực hiện một cách công bằng, nghiêm túc và triệt để.

“Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều. Nội dung cơ bản gồm: Quy định đối tượng xét tặng; về giải thích từ ngữ; về nguyên tắc xét tặng, thẩm quyền tổ chức xét tặng, công bố danh hiệu, quyền và nghĩa vụ cá nhân được tặng danh hiệu, kinh phí xét tặng và tiền thưởng; về tiêu chuẩn danh hiệu; về số lượng, thành phần, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, cấp Nhà nước...” - Bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kỳ 2: Từ chối, cả khi có cơ hội - Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao'

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-nghi-dinh-moi-go-vuong-xet-tang-danh-hieu-cho-nghe-nhan-post647464.html