Xây dựng khu tái định cư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam: Vì sao chậm?

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng-Vạn Ninh có chiều dài 49,93km; đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Đồng thời, tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh có đến 8 nút giao, vì vậy khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn. Để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, bên cạnh 26 KTĐC cho người dân, còn có 13 khu nghĩa trang với diện tích 22,38ha cho khoảng 3.737 ngôi mộ tại 11 xã phải di dời. Trong đó, huyện Quảng Trạch 6 khu, TX. Ba Đồn và Bố Trạch không bố trí khu nghĩa trang, TP. Đồng Hới 1 khu, Quảng Ninh 5 khu và Lệ Thủy 1 khu. Riêng 59 ngôi mộ tại xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), 57 ngôi tại TX. Ba Đồn, 194 ngôi tại Bố Trạch và 615 ngôi tại Lệ Thủy được UBND cấp huyện xác định di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

Khu tái định cư xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) đã thi công hoàn thành và bàn giao đất cho các hộ dân.

Để thực hiện dự án đường bộ cao tốc, có khoảng 3.227 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 580 hộ thuộc diện tái định cư; khoảng 4.662 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.737 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới. Về công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường dây 500kV có 15 vị trí bị ảnh hưởng; đường dây 220kV có 15 vị trí; đường dây 110kV có 21 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế, hệ thống viễn thông. Diện tích đất quốc phòng bị ảnh hưởng 5,8ha (xã Phú Định, Bố Trạch).

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã tập trung cho công tác GPMB để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư phục vụ thi công ở các đoạn tuyến. Tính đến ngày 24/7/2023, chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao cho các ban quản lý dự án (QLDA) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 106,66km/126,43km (đạt 84,36%). Cụ thể: TP. Đồng Hới đã bàn giao 100%; TX. Ba Đồn 95,19%; các huyện: Quảng Trạch 85,57%, Bố Trạch 80,23%, Quảng Ninh 95,80% và Lệ Thủy 71,66%.

Riêng huyện Quảng Trạch, trong 21,65km đã bàn giao có 21km theo phương án duyệt và 0,65km được người dân đồng ý bàn giao trước. TP. Đồng Hới đã bàn giao 100% diện tích tuyến chính, đối với tuyến kết nối vào nút giao đang vướng 2 hộ tại xã Nghĩa Ninh, đang tiếp tục tuyên truyền, vận động. Huyện Lệ Thủy còn lại khoảng 9,05km chưa bàn giao, trong đó có 1,91km phạm vi đất rừng, đất nông nghiệp đang xác định nguồn gốc đất và kiến nghị về giá bồi thường, hỗ trợ; 3,41km thuộc phạm vi người dân đang đề nghị được tái định cư phân tán; 3,73km thuộc phạm vi các hộ tái định cư.

Khu tái định cư xã Phú Thủy (Lệ Thủy) vẫn "án binh bất động".

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Vướng mắc nhất hiện nay đối với các địa phương là việc thực hiện các khu tái định cư (KTĐC), nghĩa trang tiến độ còn chậm. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thực hiện xong phương án di dời... Nếu không đẩy nhanh tiến độ các nội dung này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Triển khai thực hiện dự án, toàn tỉnh có 26 KTĐC, với diện tích 69,13ha cho khoảng 580 hộ tại 19 xã. Trong đó, huyện Quảng Trạch 6 KTĐC, TX. Ba Đồn 2 KTĐC, Bố Trạch 12 KTĐC, Quảng Ninh 3 KTĐC và Lệ Thủy 3 KTĐC. Đến nay, huyện Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu về tiến độ xây dựng các KTĐC, trong đó KTĐC ở xã Hiền Ninh đã thi công hoàn thành và tổ chức bàn giao đất cho người dân, KTĐC xã Vạn Ninh cơ bản hoàn thành và người dân đã bốc thăm nhận đất, chỉ còn KTĐC Xuân Ninh là vẫn đang vừa thi công, vừa vận động các hộ dân đồng thuận với phương án bồi thường, nhận tiền đền bù.

Ngoài huyện Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành 2 KTĐC, các địa phương vẫn đang trong giai đoạn triển khai các bước về thủ tục, trong đó, huyện Bố Trạch-địa phương có nhiều KTĐC nhất (12 khu) đã khởi công được 3 KTĐC, 9 KTĐC còn lại đang trong giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Bùi Quốc Thanh cho biết: Thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, huyện Bố Trạch có đến 12 KTĐC. Địa phương đã tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tuy nhiên, do thủ tục để triển khai các KTĐC tốn rất nhiều thời gian nên muốn nhanh cũng khó. Đơn cử như riêng việc thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) nằm trong phương án chung của quy hoạch cũng mất khá nhiều thời gian. Địa phương mong muốn cơ quan chức năng quan tâm rút ngắn để tạo điều kiện triển khai các bước tiếp theo.

Tương tự, các địa phương, như: Quảng Trạch hiện có 2 KTĐC đang trình phê duyệt dự án để triển khai bước tiếp theo, 4 KTĐC đang hoàn thiện thủ tục để lập hồ sơ bản vẽ thi công. TX. Ba Đồn, cả 2 KTĐC đều vừa mới có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đang ở bước trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật (KTKT). Huyện Lệ Thủy cả 3 KTĐC đang dừng ở bước lập thiết kế báo cáo KTKT và hoàn chỉnh hồ sơ ĐTM để trình cơ quan chức năng phê duyệt.

Nếu các khu tái định cư triển khai chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương thì việc thực hiện các KTĐC gồm nhiều thủ tục, nhiều bước nên cần nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra, trong đó chỉ riêng khâu thẩm duyệt phương án PCCC và ĐTM cũng đã tốn khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều KTĐC còn phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích rừng, điều tra số liệu; quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tại các vị trí đề nghị thực hiện TĐC đầu phải điều chỉnh nên chậm tiến độ. Ngoài ra, quy mô TĐC cũng có thay đổi do nhu cầu của người dân có thay đổi, nhiều KTĐC phải bồi thường GPMB cũng dẫn đến làm chậm tiến độ công tác TĐC.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết: Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy có chiều dài lớn nhất, với một khối lượng TĐC nhà cửa, công trình, mồ mả lớn nhất từ trước đến nay. Thủ tục pháp lý để thực hiện TĐC, di dời hạ tầng rất nhiều trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan làm ảnh hưởng đến tiến độ. Mặt khác, tiến độ thực hiện TĐC của huyện Lệ Thủy chậm còn do trong quá trình thực hiện, nhiều hộ dân lúc đầu đăng ký TĐC nhưng giữa chừng đổi ý xin nhận tiền nên huyện phải điều chỉnh lại quy mô dự án.

Công trình cầu Long Đại, thuộc gói thầu XL-02, dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Mới đây, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã nhấn mạnh, khối lượng mặt bằng mà các địa phương đã bàn giao cho các chủ đầu tư vẫn đáp ứng được cho công tác thi công thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay công tác TĐC đang bị chậm so với kế hoạch đề ra, nếu không tập trung đẩy nhanh tiến độ để bố trí cho người dân trong diện TĐC thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công dự án vào đầu năm 2024.

Rõ ràng, khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, thủ tục pháp lý để thực hiện TĐC nhiều trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan... đang là những nguyên nhân trực tiếp nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác TĐC của các địa phương. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình, các sở, ngành, địa phương cần được tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ nhằm sớm hoàn thành các KTĐC.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202307/xay-dung-khu-tai-dinh-cu-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-vi-sao-cham-2211092/