Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ - tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh Long An, từng bước hình thành hệ thống giao thông - vận tải (GTVT) đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, nhất là các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Giao thông đi trước mở đường giúp tỉnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển KT-XH, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giao thông đi trước mở đường

Cách đây 1 thập kỷ, dù là cửa ngõ miền Tây nối TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỉnh vẫn không khai thác được tiềm năng sẵn có vươn lên phát triển KT-XH. Một phần nguyên nhân là hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển, thiếu đồng bộ.

Cũng vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp vừa qua, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống GTVT, nhất là ưu tiên đầu tư tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm phát huy thế mạnh, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.

Công trình trọng điểm đường Vành đai TP. Tân An hoàn thiện 8/13 gói thầu, dự kiến hoàn thành, thông xe vào cuối năm 2023

Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, trước yêu cầu nhiệm vụ, ngành GTVT tham mưu cho tỉnh xác định những công trình giao thông trọng điểm để đầu tư. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, hàng loạt công trình giao thông huyết mạch được đầu tư trong toàn tỉnh như Đường tỉnh (ĐT) 819, ĐT817, ĐT830, đường Vành đai TP.Tân An,... Đặc biệt, tuyến ĐT830 được đầu tư hoàn thiện, phát huy hiệu quả khi tạo thành trục hành lang vận tải xuyên suốt nối liền các khu, cụm công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm đến Cảng Quốc tế Long An.

Đến nay, sau hơn 1 nhiệm kỳ, tuyến đường Vành đai TP.Tân An cũng dần hoàn thiện; 8/13 gói thầu với chiều dài gần 14,5km cùng 3 cây cầu trên tuyến đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, tuyến đường này sẽ hoàn thành, thông xe toàn tuyến.

Anh Phạm Ngọc Thắng - lái xe container chuyên chở thanh long từ huyện Châu Thành đi các tỉnh miền Bắc, cho biết: “Từ khi đường Vành đai TP.Tân An thông xe đoạn từ ĐT827A đến Quốc lộ 1 đã giúp tài xế thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng tôi không phải đi vào TP.Tân An như trước, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông”. Ngoài nâng cao năng lực giao thông, đường Vành đai TP.Tân An khi hoàn thành còn giúp mở ra hướng phát triển đô thị mới cho thành phố với những dự án dân cư, đô thị, đưa TP.Tân An sớm trở thành đô thị loại I.

Ông Đặng Hoàng Tuấn khẳng định: “Với nhiệm vụ đi trước mở đường, tạo động lực cho phát triển, những năm qua, từ nguồn lực đầu tư lớn, hệ thống giao thông trong tỉnh dần được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, có tính kết nối cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư”.

Tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, đột phá

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, trong nhiệm kỳ 2020-2025, ngành GTVT tỉnh tiếp tục được giao thực hiện 8 công trình thuộc chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh cũng được giao thực hiện công trình trọng điểm quốc gia - đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An. Đây đều là những công trình có ý nghĩa lớn trong phát triển KT-XH khi nằm trên địa bàn các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, các công trình giao thông đang và sẽ triển khai đều được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị và kết nối đến Cảng Quốc tế Long An.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh

Đến hiện tại, nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62, TP.Tân An đã hoàn thành, đưa vào khai thác, tạo diện mạo mới cho đô thị Tân An cũng như giảm ùn tắc giao thông qua khu vực này; dự án nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh, huyện Đức Hòa đang được nhà thầu tập trung thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Ngoài ra, 6 dự án còn lại thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng đang trong giai đoạn lập quy hoạch, làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tạo cơ sở để thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

Đối với các công trình trọng điểm, ngoài đường Vành đai TP.Tân An dự kiến hoàn thành, thông xe vào cuối năm nay, công trình trọng điểm ĐT830E cũng đang được 4 nhà thầu tập trung thi công với mục tiêu hoàn thành đoạn từ đầu tuyến đến Quốc lộ 1 trong nhiệm kỳ này. Đối với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, tiến độ được bảo đảm khi tất cả gói thầu xây lắp đều được đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ.

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho hay: “Khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và các công trình trọng điểm hoàn thành, hệ thống GTVT của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Một khi đường thông sẽ là động lực để thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”./.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-he-thong-giao-thong-dong-bo-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a165480.html