Xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội trong thời kỳ mới

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ mà TP Hà Nội thực hiện nhiều năm qua. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi những biến động của xã hội không ngừng diễn ra, giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ, kéo theo những yếu tố tích cực và cả tiêu cực.

Điều này đòi hỏi việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có những định hướng, giải pháp mới để thích ứng với thực tế.

Bài 1: Hội tụ, kết tinh của các giá trị văn hóa

Giá trị văn hóa Hà Nội không nhất thành bất biến mà chuyển đổi theo các thời kỳ lịch sử tiếp nối nhau, vừa kế thừa, vừa sàng lọc, điều chỉnh, bổ sung tương thích với sự thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội.

Ở bất cứ thời kỳ nào, giá trị văn hóa Hà Nội cũng đối diện với những nhân tố tác động thuận và không thuận. Độ bền vững và sức sống của giá trị văn hóa tùy thuộc vào khả năng nhận biết, thích ứng, vượt lên của chủ thể sáng tạo văn hóa - con người và cộng đồng.

Giá trị văn hóa Hà Nội

Hà Nội nơi “hội tụ, kết tinh và tỏa sáng văn hóa” - đó là một hệ luận được đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo khoa học và được sự đồng thuận cao trong giới học thuật cũng như trong dư luận, tâm thức xã hội.

Trước hết bởi Thăng Long - Hà Nội là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” như tuyên ngôn của Lý Thái Tổ trong Chiếu Dời đô năm 1010; và sau này, “là trung tâm lớn về văn hóa” như trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội (Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị, khóa VIII “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001 - 2010”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị, khóa XI “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, khóa XIII “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045”).

Biểu diễn múa rồng tại Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Từ đó có thể thấy, văn hóa Hà Nội luôn gắn bó và là một bộ phận của văn hóa Việt Nam, mang giá trị phổ quát của văn hóa dân tộc - đó là hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

“Song, văn hóa Hà Nội là bộ phận tinh túy, tiêu biểu, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống dân tộc. Văn hóa Hà Nội cũng tất yếu mang trong mình những giá trị riêng có được hình thành, bồi tụ qua hơn một ngàn năm lịch sử trong điều kiện địa chính trị, địa kinh tế của một kinh đô, Thủ đô” - GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư nhận định.

Trên nhiều diễn đàn văn hóa, các cuộc thảo luận lớn nhỏ, nhiều người có chung nhận định, giá trị dễ nhận biết của văn hóa Hà Nội là sự khoan dung. Hà Nội rộng vòng tay chào đón, dung nạp các giá trị văn hóa từ mọi miền đất nước theo các dòng chuyển cư tự nhiên và cơ học; chào đón và tiếp nhận các giá trị văn hóa từ nước ngoài du nhập vào Thủ đô qua nhiều con đường, nhiều phương thức, nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhưng điều quan trọng, Hà Nội tiếp nhận, dung nạp các giá trị văn hóa với tinh thần cởi mở, thân thiện, không kỳ thị, khép kín nhưng cũng không dễ dãi, xô bồ.

Cũng chính giá trị khoan dung là cơ sở để hình thành sự đa dạng của văn hóa Hà Nội - sự đa dạng về nội dung, hình thức ở nhiều cấp độ; không ở đâu mà văn hóa lại phong phú, giàu có, đa sắc mầu như ở Thủ đô. Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa đô thị, văn hóa nông thôn, văn hóa bản địa, văn hóa ngoại nhập, văn hóa vùng miền, văn hóa của cộng đồng người định cư và của cộng đồng người ngụ cư... qua nhiều đời, kế tiếp, hội tụ, chuyển đổi tạo nên sự đa dạng, đa diện ở nhiều tầng, nhiều lớp.

Kết tinh, lan tỏa giá trị văn hóa

Trao đổi về văn hóa Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, quá trình khoan dung, cởi mở, tiếp nhận văn hóa từ nhiều nguồn cũng đồng thời là quá trình tự sàng lọc, chọn lọc, tự cải biến, chưng cất để từng bước hòa hợp và vươn tới tinh hoa. Nhìn rộng hơn, tinh hoa văn hóa Hà Nội không phải là những giá trị cao xa, một đẳng cấp khó đạt tới, mà là những giá trị tốt đẹp trong muôn mặt đời sống được chọn lọc, đón nhận giá trị từ các vùng miền, tinh luyện để hoàn lại các giá trị mới ở một tầm mức mới.

Vì vậy, theo các chuyên gia văn hóa, Hà Nội vừa là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam với hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, vừa có những giá trị riêng: khoan dung, đa dạng, tinh hoa, nhân bản, khai sáng. Quá trình xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội chính là quá trình giữ gìn, hoàn thiện, phát huy những giá trị đó theo triết lý phát triển phù hợp với đặc điểm, bản sắc và những ưu trội của Thủ đô.

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội luôn cởi mở, sáng tạo, luôn luôn đón nhận những cái mới để làm giàu có hơn nữa bản sắc Thủ đô. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Lịch sử đã chứng minh những đón nhận đó của Hà Nội qua dấu ấn của các công trình kiến trúc Đông Dương với Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Nhà hát Lớn, Cầu Long Biên, hay hàng loạt các biệt thự cổ, cùng với các trường phái hội họa Đông Dương, điện ảnh, kịch nghệ…

Hơn thế, năm 2019, Hà Nội đã trở thành thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các không gian sáng tạo bùng nổ ở Hà Nội, tiếp theo đó là những tuần lễ thiết kế sáng tạo, nhiều lễ hội sáng tạo được tổ chức thường xuyên ở Thủ đô. Không khí, tinh thần sáng tạo thực sự trở thành một động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội ở cả hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: nhiều người nghi ngờ rằng, khái niệm "thanh lịch văn minh" liệu có còn đúng với lối sống, con người Hà Nội ngày nay không? Thậm chí, có người còn bày tỏ sự không đồng tình về thanh lịch, văn minh của Hà Nội khi trong cuộc sống còn tồn tại nhiều hành vi phi văn hóa, phản văn hóa.

Từ thực tế đó, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, ngày 19/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đó là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội - mảnh đất là trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi giữ nhịp đập, điều tiết cho sự phát triển chung của đất nước.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nội dung Chỉ thị nêu rõ, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

(Còn nữa)

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-ha-noi-trong-thoi-ky-moi.html