Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực con người Hà Nội

Ngày 23/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị tọa đàm 'Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp'.

Tọa đàm thu hút hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học tham gia, viết bài và phát biểu, đóng góp ý kiến thẳng thắn, tâm huyết về những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh hiện nay.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết: Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hóa, văn minh, hiện đại; ngang tầm Thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Về phát triển con người Thủ đô, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam”.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người.

Trong nhiều nhiệm kỳ Thành phố đều ban hành Chương trình lớn riêng về phát triển văn hóa, con người Thủ đô, trọng tâm nhiệm kỳ này là Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025", Chương trình xác định rõ: phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, hệ giá trị văn hóa Thủ đô là hệ giá trị văn hóa đặc trưng, điển hình cho Hà Nội và người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại, vừa phản ánh vừa kết tinh những đặc trưng của văn hóa dân tộc: Dân tộc - Nhân văn - Dân chủ và Khoa học như Đảng ta đã xác định trong Nghị quyết xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô phải xuất phát từ vai trò, vị thế của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. "Cả nước vì Hà Nội" và "Hà Nội vì cả nước" đủ nói lên sự hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước vào xây dựng Hà Nội, cùng góp sức vào việc tạo nên một Hà Nội tiêu biểu cho cả nước. Đồng thời, văn hóa của Thủ đô Hà Nội, văn hóa của người Hà Nội một mặt đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của cả nước như một trọng trách lớn lao mà còn nỗ lực sáng tạo những giá trị mới đủ sức làm cho cả nước tin cậy và tự hào.

Trong bối cảnh đổi mới, Hà Nội phải đi tiên phong thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Trong xu thế và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế, Hà Nội phải là gương mặt, diện mạo tinh thần tiêu biểu cho cả nước để giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam, làm cho thế giới hiểu Việt Nam và Việt Nam đến với thế giới, hiểu biết về thế giới.

Hà Nội và người Hà Nội biểu hiện không chỉ giá trị truyền thống, "ngàn năm văn hiến" mà còn mang tầm vóc lịch sử của hiện đại. Đó là Hà Nội, "Thủ đô của phẩm giá con người", là "Thành phố vì hòa bình", là "Thành phố xanh - sạch - đẹp" về môi trường, cảnh quan, là điểm đến bình yên, ổn định, phát triển đủ sức thu hút các bạn bè, đối tác đến tham quan, du lịch, đầu tư. Hà Nội phải xứng đáng với niềm tin cậy, thiện cảm của bạn bè quốc tế, một "thành phố đáng sống", "thành phố hạnh phúc".

Những đòi hỏi ấy về sự phát triển của Hà Nội phải thể hiện thành hệ giá trị văn hóa Thủ đô và đặt ra yêu cầu rất cao về văn hóa của người Hà Nội. Mỗi người Hà Nội, mỗi công dân Thủ đô, từ lao động sản xuất, công tác, học tập, đời sống đến ứng xử, đặc biệt là ứng xử với cộng đồng người dân trong nước, với bạn bè, đối tác đến từ mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới tới Hà Nội sao cho họ cảm nhận và chứng thực được văn hóa Hà Nội, giá trị văn hóa Thủ đô.

Quang cảnh Hội nghị Tọa đàm.

Quang cảnh Hội nghị Tọa đàm.

Kết luận, PGS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội nghị Tọa đàm đến thống nhất khẳng định chuẩn mực con người Thủ đô hiện nay cần tiếp tục xây dựng là yêu nước, đoàn kết, tự cường, trung thực, kỷ cương, trọng tình nghĩa, hào hoa, thanh lịch, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam trong hội nhập.

Các chuẩn mực con người Thủ đô là cơ sở, là cốt lõi để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại thể hiện ở mọi hoạt động học tập, lao động, sản xuất, giao tiếp xã hội, sinh hoạt cộng đồng, từ trong gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt là sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và ở người lớn tuổi.

Về mối quan hệ giữa xây dựng hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực con người Hà Nội, PGS.TS Phùng Hữu Phú nhất trí cho rằng đây là mối quan hệ biện chứng, gắn bó tác động lẫn nhau rất chặt chẽ. Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội có vai trò đặc biệt trong việc giáo dục, trao truyền niềm tin đối với mỗi thành viên trong gia đình, trở thành "tổ ấm" nuôi dưỡng thể lực, trí tuệ, tình cảm, là cái nôi đầu tiên giúp hình thành nhân cách, là điểm tựa suốt vòng đời của con người.

Đồng thời, các chuẩn mực con người Hà Nội được xây dựng sẽ tạo nên sự kế tục và phát triển truyền thống gia đình, xây dựng niềm tự hào, tôn vinh cống hiến của tổ tiên, của dòng tộc thông qua các thời kỳ lịch sử, trao truyền và nuôi dưỡng khát vọng phát triển của gia đình, dòng tộc, từ đó đóng góp vào sự phồn vinh của dân tộc.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-he-gia-tri-gia-dinh-thu-do-va-chuan-muc-con-nguoi-ha-noi-165383.html