Xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Bám sát chỉ đạo của T.Ư, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với chính quyền... Từ đó góp phần đưa nhanh nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống.

Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Tính đến ngày 31/12/2021, Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc với 511 tổ chức cơ sở Đảng và trên 68,3 vạn đảng viên, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 28.199 cán bộ, công chức (CB, CC), viên chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, cấp tỉnh 7.854 CB, CC, trình độ chuyên môn: tiến sĩ chiếm 0,4%; thạc sĩ 12,6%; đại học 56,7%; trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm 7,3%. Cấp huyện 17.868 CB, CC, trong đó, trình độ chuyên môn thạc sĩ 1,7%; đại học 50,7%; trình độ lý chính trị cử nhân, cao cấp 2,8%, trung cấp 7,7%. Cấp xã 43.477 CB, CC, viên chức, trình độ chuyên môn thạc sĩ 1%; đại học 77,1%. Về cán bộ nữ cấp tỉnh chiếm 56,8%; cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,4%; cấp huyện, cán bộ nữ chiếm 78,1%, cán bộ DTTS 54,2%; cấp xã, cán bộ nữ 30,1%, cán bộ DTTS 85%.

Đồng chí Bùi Thị Minh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Với đặc thù của tỉnh có trên 74% dân số là người DTTS, những nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đạt được một số kết quả quan trọng. Thứ nhất, về tổ chức bộ máy khối Đảng, các cơ quan cấp tỉnh đã giảm 12 phòng và 25 cán bộ lãnh đạo quản lý; các cơ quan chuyên trách của UBMTTQ và các tổ chức CT-XH giảm 11 phòng và 7 lãnh đạo quản lý. Khối chính quyền đã giảm được 2 sở (Sở Ngoại vụ và thực hiện sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào Văn phòng HĐND tỉnh), giảm 54 đầu mối cấp phòng và tương đương, giảm 146 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã sắp xếp 108 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kết quả đã giảm 59 đơn vị cấp xã, 1 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm chi ngân sách thường xuyên khoảng 236 tỷ đồng/năm; đồng thời thực hiện kiện toàn xóm, tổ dân phố, giảm được 576 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Về tổ chức cán bộ, ở cấp tỉnh đã thực hiện Phó Bí thư TT Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ tỉnh. Đến nay, 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026 và không phải là người địa phương. 100% Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện. 9/10 huyện, thành phố thực hiện chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ. Công tác cán bộ nói chung và cán bộ người DTTS được quan tâm, có tới 52,6% cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý được bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử là cán bộ DTTS. Kết quả đó đã góp phần khắc phục cơ bản tình trạng bị động, hụt hẫng trong công tác cán bộ trước đây, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp.

Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng, song với định mức biên chế hiện nay, số lượng CB, CC dôi dư phải giải quyết đến năm 2024 còn nhiều. Về công tác cán bộ vẫn còn tình trạng hụt hẫng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt. Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS càng lên cao càng giảm. Hầu hết cán bộ dân tộc tập trung ở cấp xã và các cơ quan, đoàn thể, tổ chức CT-XH, HĐND (cán bộ quản lý cấp phòng ở các cơ quan còn ít, cấp tỉnh 23%, cấp huyện 42%). Số lượng cán bộ dân tộc ở các cơ quan tham mưu chuyên môn về kinh tế như tài chính, kế hoạch, xây dựng, giao thông không có nhiều… Trên cơ sở đó, tỉnh đã kiến nghị với T.Ư có những chỉ đạo giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, xây dựng đội ngũ cán bộ, cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Cùng với quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, Đảng bộ tỉnh đang thực hiện chủ trương không để CB, CC từ cấp phó phòng trở lên giữ chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác; tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo bước chuyển tích cực về mọi mặt, nhất là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu, phân cấp quản lý mạnh hơn cho chính quyền cấp dưới, cơ bản đảm bảo sâu sát, toàn diện. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp giảm đầu mối trực thuộc cấp ủy, UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể CT-XH và cơ cấu bên trong các tổ chức trực thuộc; sắp xếp, sáp nhập các tổ chức hoạt động không hiệu quả, các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng… theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH T.Ư khóa XII.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/272/164258/xay-dung-doi-ngu-can-bo,-to-chuc-bo-may-tinh-gon,-hieu-luc,-hieu-qua.htm