Xây dựng Đảng, từ một tác phẩm của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Đồng chí Hoàng Quốc Việt thăm công nhân Nhà máy dệt Nam Định (tháng 11-1977).

Đồng chí đã từng nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác Mặt trận, Dân vận của Đảng, làm Chủ tịch Tổng Công đoàn, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về công tác vận động nhân dân, gắn bó Đảng với nhân dân. Là người sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp lớn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng chí Hoàng Quốc Việt dành nhiều tình cảm và tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng. Tác phẩm 'Tổ chức cơ sở của Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng viên' (NXB Sự thật, H. 1968), của đồng chí Hoàng Quốc Việt đề cập những vấn đề quan trọng và vẫn còn nguyên giá trị. Về vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt phân tích rằng: Tổ chức cơ sở Đảng có một tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống còn và sức mạnh của Đảng. Nó là nền tảng của Đảng, là nơi giám sát, giáo dục, rèn luyện đảng viên và kết nạp đảng viên mới, là nơi bắt đầu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ dưới lên. Đồng chí nhấn mạnh vai trò của chi bộ: Đảng ta sống và thắng được mọi cuộc khủng bố trắng của quân thù và đã đưa cách mạng không ngừng tiến lên được là nhờ có chi bộ. Không có chi bộ và sự hoạt động bền bỉ của chi bộ trong quần chúng để đấu tranh chống áp bức, bóc lột thì cũng không có Đảng, không có cách mạng. Muốn thực sự vì lợi ích của quần chúng, muốn thực hiện được lý tưởng cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Đảng, chúng ta phải đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào trong quần chúng, biến nó thành hành động cách mạng của hàng chục triệu quần chúng. Đó là công việc của toàn Đảng, mà trước hết là của chi bộ, vì chi bộ là người trực tiếp động viên, tổ chức và lãnh đạo quần chúng thực hiện mọi công tác cách mạng. Vì vậy, mỗi khi nói đến công lao, sự nghiệp của Đảng, trước hết phải nói đó là công lao, sự nghiệp của các chi bộ, của cán bộ, đảng viên cơ sở, của quần chúng. Từ vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ rõ những nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ 'phản ánh lên cấp trên yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng, hết sức chăm lo đến việc nâng cao mức sống vật chất và văn hóa của quần chúng'. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đồng chí Hoàng Quốc Việt lưu ý ba điểm. Một là, chi bộ phải đi sát quần chúng, tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của quần chúng. Không phải chỉ tìm hiểu chung chung, mà phải biết rõ yêu cầu và những suy nghĩ của từng người, từng gia đình, từng lứa tuổi. Hai là, chi bộ và đảng bộ cơ sở phải tuyên truyền vận động quần chúng ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Ba là, phải quan tâm đến đời sống của quần chúng và lãnh đạo theo đường lối quần chúng. Nhấn mạnh vấn đề cải tiến sinh hoạt chi bộ theo đồng chí Hoàng Quốc Việt đây là khâu quan trọng để đẩy mạnh công tác của tổ chức cơ sở Đảng. Muốn cải tiến sinh hoạt chi bộ, thì chi bộ phải sinh hoạt cho đều, vì 'thực tế cho thấy nơi nào, thời gian nào mà sinh hoạt Đảng bê trễ thì không phải vì không có việc để bàn, mà chính vì ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở nơi đó, thời gian đó còn kém, hoặc quan liêu không sát tình hình, hoặc nắm được tình hình nhưng vì một lẽ nào đó lại bỏ qua, không đưa ra cấp ủy, tổ đảng hoặc chi bộ bàn bạc giải quyết'. Phải mở rộng dân chủ nội bộ, cần tìm mọi cách nâng cao tính tích cực của toàn thể đảng viên, làm sao cho tất cả các đảng viên đều hăng hái tham gia thảo luận những vấn đề quan trọng của Đảng. Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tiếp thu và thực hiện những tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Đồng chí đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, phân tích, lý giải rõ những nhiệm vụ mà người đảng viên cần thực hiện để làm tốt công tác vận động quần chúng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: 'Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì một mặt khác cũng không kém phần quan trọng là đảng viên phải thật sự gần gũi quần chúng, hòa mình vào quần chúng, yêu quý, tôn trọng quần chúng, đối xử với quần chúng một cách bình đẳng, chân thành và phải gương mẫu trong mọi mặt công tác cũng như trong đời sống riêng. Hơn nữa, bản thân người đảng viên phải tự nhận thấy một cách rõ ràng rằng nhờ đi sâu, đi sát quần chúng, làm công tác vận động quần chúng mà mình học tập được nhiều điều mới lạ, tự rèn luyện được bản thân và thấy mình tiến bộ không ngừng'.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/xay-d-ng-ng-t-m-t-tac-ph-m-c-a-ng-chi-hoang-qu-c-vi-t-1.284641