Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát khá tốt. Các bệnh dịch thông thường trên gia súc, gia cầm được phát hiện, xử lý kịp thời, đã có nhiều loại vaccine sản xuất trong nước để phòng những bệnh này.

Dây chuyền chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (tỉnh Ðồng Nai).

Phó Cục trưởng Thú y Phan Quang Minh chia sẻ, có được kết quả khả quan nêu trên là do Cục Thú y đã chủ động phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đó, tính đến nay, cả nước có hơn 2.200 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 59 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ.

Bên cạnh những mặt làm được, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang phải đối mặt nhiều thách thức: Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung còn phổ biến. Hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ. Các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường trong chăn nuôi. Chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ thú y theo quy định, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine.

Nhiều trại chăn nuôi còn nằm ngoài vùng quy hoạch, gần khu dân cư. Công tác tiêm phòng vaccine cho chăn nuôi nông hộ gặp khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi ở một số nơi còn thấp. Lực lượng thú y cơ sở mỏng. Nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thị trường tiêu thụ chỉ phục vụ trong nước là chủ yếu, thị trường xuất khẩu chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về giao thông, địa lý.

Phần lớn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, sơ chế chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, yêu cầu của các nước nhập khẩu. Quá trình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện, chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu có yêu cầu khắt khe. Chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh trên diện rộng. Mặt khác, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp đã tạo điều kiện để vi-rút gây bệnh lưu hành rộng rãi…

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thực hiện ngay một số giải pháp như: Các tỉnh, thành phố cần kịp thời có chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp; bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh...

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, hệ thống thú y và các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ về thuốc, vaccine, hoạt động giết mổ và phòng, chống dịch bệnh để tạo ra "lá chắn thép" cho đàn vật nuôi với tinh thần nắm chắc thực tế, sâu sát với địa bàn. Cùng với đó, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-co-so-vung-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-post805990.html