Xây dựng chuỗi giá trị đưa nông sản Xín Mần vươn xa

BHG - Gặp gỡ và trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Nông sản Misaki Xín Mần, Lục Sơn Bách phấn khởi chia sẻ: Xín Mần có gần 1.000 hộ nông dân trong huyện đang liên kết với HTX sản xuất. Từ đầu vụ Đông đến nay, HTX đã thu mua trên 350 tấn củ cải, 250 tấn gừng và gần 120 tấn củ kiệu chế biến, xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng vui vẻ cho biết: Nối tiếp gạo Già Dui, chè Shan tuyết Chế Là, Nếp cái hoa vàng Quảng Nguyên là củ cải, gừng, kiệu sản xuất tại Xín Mần, xuất khẩu sang Nhật Bản; giờ đây là cá Tầm, dê lai, măng Bát độ, Khổ qua rừng... lần lượt chiếm lĩnh thị trường cả trong nước và ở nước ngoài. Lối đi của nông sản đặc sắc của Xín Mần vượt qua biên giới vươn ra biển lớn nhờ kết nối chuỗi giá trị. Liên kết sản xuất giữa nhà nông với doanh nghiệp, HTX tạo ra chuỗi giá trị để nông sản vươn xa. Chủ công trong sản xuất theo chuỗi là các HTX, doanh nghiệp là người kiến tạo sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Làm thế nào để cây, con của Xín Mần sản xuất ra bán được hàng, bán được giá, có lợi nhuận là doanh nghiệp, HTX phải lo. Kế đó là bà con nông dân, người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn, đào tạo nghề. Người nông dân làm chủ thể sản xuất tại đồng đất địa phương chỉ còn lo một việc trồng cấy, chăm sóc. Sự bắt tay hợp tác giữa nhà nông và doanh nghiệp, HTX có sự tham gia của chính quyền tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhất.

Xã Cốc Rế đã có trên 30 hộ liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi dê lai.

Anh Hoàng Văn Mơi, xã Xín Mần cho biết: Gia đình bắt tay với HTX nông sản Misaki trồng củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản đã qua 2 năm liên tiếp. Diện tích trồng vụ Đông năm nay là 1,7 ha. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12.2023, đã thu hoạch trên 200 tấn. Giá thu mua tại ruộng bán cho HTX Misaki là 2.000 đồng/kg, doanh thu 400 triệu đồng. Trừ toàn bộ chi phí gia đình anh Mơi có lãi trên 250 triệu đồng/vụ. Anh Mơi cho biết thêm, ở xã Xín Mần hiện đang có hàng trăm hộ hợp tác với HTX Misaki trồng gần 30 ha củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm củ cải làm ra đều được HTX Misaki bao tiêu.

Trong hành trình đi tìm lời giải chuỗi giá trị nông sản ở Xín Mần tôi đã lên xã Cốc Rế. Nằm phía Đông sông Chảy, trên độ cao 1.300 m mùa này trời rét ngọt. Tại Cốc Rế có những trang trại nuôi dê lai ngợp mắt. Anh Tráng Đức Văn, Tổ trưởng tổ chăn nuôi dê lai thôn Chang Khâu cho biết, tổ nuôi dê lai Chang Khâu có gần 30 hộ. Giống dê lai được doanh nghiệp Tiến Thành (Tuyên Quang) cung cấp tới từng hộ với trên 300 con. Nông dân chăn nuôi, doanh nghiệp hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản lượng đang tạo ra sức bật kinh tế nơi này. Giá bà con nuôi dê lai bán cho doanh nghiệp thu mua không dưới 150 ngàn đồng/kg.

Lên đến lưng Đèo Gió, xã Nấm Dẩn, anh Quang Tuyến, cán bộ Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần đưa tôi thăm trang trại nuôi cá Tầm cho biết: Xã Nấm Dẩn đã có trên 35 hộ liên kết với HTX Thủy sản Đại An (Lào Cai) nuôi cá Tầm thương phẩm. Còn tại trang trại này, HTX Đại An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống ao nuôi liên hoàn hàng vạn con cá tầm đủ kích cỡ. Cách làm, HTX đầu tư giống, hỗ trợ vốn và bao tiêu sản phẩm 100%.

Về tới các xã phía Nam huyện Xín Mần là Nà Chì, Khuôn Lùng bà con các xã đã liên kết trồng trên 40 ha tre măng Bát độ. Rất vui khi thấy bà con mình trồng tre, thu măng bán, giá bình quân từ 7 – 10 ngàn đồng/kg; thu hái lá tre Bát độ bán cho doanh nghiệp từ 13 – 16 ngàn đồng/kg. Được biết, tre Bát độ sau một năm trồng đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhà nông trồng tre Bát độ vừa thu măng bán, vừa thu lá bán đem về “lãi kép” vài chục triệu đồng/ha/năm. Ngoài thu nhập, bà con còn tận dụng được tiềm năng đất đai, sức lao động, ý chí làm ăn mới. Bà con nông dân đã được “cầm tay, chỉ việc”; kèm theo một đội ngũ công chức, viên chức bám dân, bám cơ sở kịp thời tháo gỡ mọi vướng mắc để sản xuất phát triển đúng hướng, đúng mục tiêu.

Nhìn lại, huyện Xín Mần trước kia một huyện nghèo nhất, khó khăn nhất tỉnh Hà Giang. Giờ đây, Xín Mần đang vươn lên thành huyện động lực phía Tây Hà Giang đầy sức sống. Trong gian khó ấy, Xín Mần đã nắm lấy thời cơ, cơ hội để biến khó khăn, thành động lực và biến tiềm năng thành thế mạnh. Lấy đất đai, khí hậu riêng có làm nguồn lực; trải thảm đỏ, lấy trí tuệ, nguồn vốn, cách làm của doanh nghiệp, HTX làm đà thúc đẩy kinh tế. Chính sự kết hợp hài hòa ấy đã tạo ra chuỗi giá trị cho hàng hóa nông sản Xín Mần vươn tầm, bay xa trong tương lai gần.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202401/xay-dung-chuoi-gia-tri-dua-nong-san-xin-man-vuon-xa-b3c5557/