Xây dựng các tuyến giao thông kết nối: Nhiều địa phương chung tay

Để tạo không gian phát triển mới, gỡ 'điểm nghẽn' về giao thông, Bắc Giang đầu tư hàng loạt cây cầu, đường kết nối với các địa phương lân cận. Theo đó, nhiều tỉnh, TP đã chung tay cùng giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả công trình, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Ninh - là một trong những địa phương điển hình phối hợp chặt chẽ với Bắc Giang giải quyết “nút thắt” tại cầu Như Nguyệt (trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1 nối Thủ đô Hà Nội lên cửa khẩu biên giới Lạng Sơn).

Đường dẫn lên cầu Đồng Việt, đoạn qua tỉnh Hải Dương đang được nhà thầu tập trung thi công.

Ban đầu, công tác GPMB liên quan đến các hộ dân tỉnh Bắc Ninh vô cùng khó khăn song với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh nên những vướng mắc đã được tháo gỡ, góp phần quan trọng hoàn thành cầu Như Nguyệt giai đoạn hai.

Đến nay, cầu có 6 làn xe chạy, không còn tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm, tiết kiệm thời gian cho người dân tham gia giao thông. Đây là công trình không những thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mà còn là sự hợp tác, chung tay của hai địa phương vì lợi ích chung.

Bên cạnh cầu Như Nguyệt, hai tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án như: Đầu tư xây dựng cầu Hà Bắc 2 thuộc quy hoạch đường tỉnh (ĐT) 398B, tỉnh Bắc Giang và dự án cầu Hà Bắc 1. Riêng cầu Hà Bắc 2 nối tuyến nhánh 2 đường vành đai 4 với Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong và quốc lộ (QL) 18 (Bắc Ninh), tỉnh Bắc Giang đang thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Cầu đưa vào sử dụng sẽ khơi thông vùng kinh tế công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh; mở ra hướng kết nối các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang với huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Để khai thác công trình này, Bắc Ninh vừa khởi công tuyến đường 277B kết nối cầu Hà Bắc 2 và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng (vận tốc thiết kế 80 km/giờ).

Cầu Hà Bắc 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bắc Giang và Bắc Ninh cũng tiến hành triển khai dự án xây dựng cầu Hà Bắc 1, dự kiến khởi công trong năm 2024; đồng thời dự kiến thực hiện một số công trình vượt sông Cầu tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa) kết nối với xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phương án kết nối vượt sông Cầu tại xã Quang Châu (Việt Yên) với phường Kim Chân, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh...

Tương tự, tỉnh Hải Dương đã cùng Bắc Giang thực hiện dự án cầu Đồng Việt. Dự án gồm cầu và đường dẫn lên cầu với tổng kinh phí đầu tư gần 470 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Trong đó, đường kết nối với cầu có chiều dài tuyến 5,3 km, qua địa phận các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đường quy mô cấp II, nền đường 22,5 m, vận tốc 80 km/giờ. Do công tác GPMB được thực hiện khẩn trương nên đến nay nhà thầu đang thi công hạng mục đào, đắp nền đường xong khoảng 4,6/5,3 km; móng đường cấp phối đá dăm đạt 0,6/5,3 km. Cùng với đường kết nối, các hạng mục khác cũng đang được triển khai bảo đảm tiến độ.

Cùng với Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang mở nhiều tuyến giao thông kết nối với các tỉnh, TP như: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Đường nối QL 37 - QL17 - Võ Nhai (Thái Nguyên) được khởi công cuối tháng 12/2021, đi qua các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế có tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh. Dự án đang được chủ đầu tư đôn đốc thực hiện, nhiều đoạn đã hoàn thành. Trong đó, tuyến chính của dự án được chia làm hai đoạn, đoạn 1 dài khoảng 28,5 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m; đoạn 2 dài 13,6 km là đường cấp III miền núi, nền đường 9 m, mặt đường 8 m.

Đường nối từ huyện Yên Thế sang huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) thuộc dự án đường nối QL37-QL17- Võ Nhai.

Với dự án này, tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương đầu tư ĐT 265D, dài 6,5 km thuộc huyện Võ Nhai. Để kết nối với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đầu tư dự án nối dài ĐT 291 (huyện Sơn Động) có tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, khởi công vào quý III năm nay. Về phía tỉnh Quảng Ninh, HĐND tỉnh vừa có Nghị quyết đầu tư đường nối từ QL 279 thuộc địa phận Quảng Ninh đến ĐT 291 tỉnh Bắc Giang.

Điểm đầu của dự án giao với QL 279 tại vị trí khu vực xã Tân Dân, TP Hạ Long (Quảng Ninh) và điểm cuối tuyến đấu nối vào ĐT 291, thuộc xã Thanh Luận, huyện Sơn Động (Bắc Giang). Tổng chiều dài tuyến khoảng 8,1 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, quy mô 2 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến không quá 1.455 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2023-2026.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Giao thông-Vận tải thường xuyên trao đổi với cơ quan chuyên ngành các địa phương cùng thực hiện những biên bản ghi nhớ về lĩnh vực giao thông. Trước mắt, trong tháng 8, Sở sẽ ký biên bản về việc thống nhất phối hợp và triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo với Sở Giao thông - Vận tải Bắc Ninh. Với các địa phương khác, Sở cũng đang bàn bạc để thống nhất cách thức thực hiện".

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông - Vận tải

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông-Vận tải cho biết: "Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở thường xuyên trao đổi với cơ quan chuyên ngành các địa phương cùng thực hiện những biên bản ghi nhớ của hai tỉnh về lĩnh vực giao thông.

Trước mắt, trong tháng 8, Sở sẽ ký biên bản về việc thống nhất phối hợp và triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo với Sở Giao thông- Vận tải Bắc Ninh. Với các địa phương khác, Sở cũng đang bàn bạc để thống nhất cách thức thực hiện".

Những kết quả trên cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Bắc Giang, các tỉnh bạn đã chung tay vào cuộc để đầu tư hạ tầng, GPMB đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa công trình vào khai thác, qua đó tạo động lực phát triển KT-XH các địa phương, của vùng.

Tuy vậy, nhiều người dân huyện Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung mong mỏi phía huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) sớm triển khai GPMB làm đường kết nối với cầu Xuân Cẩm (Bắc Giang)-Bắc Phú (Hà Nội) để bà con được đi trên cầu thay vì vẫn phải đi đò qua sông như hiện nay. Bởi lẽ, phần cầu, tỉnh Bắc Giang xây xong đã lâu nhưng đường phía Hà Nội chưa được xây dựng. Vì thế, ngày ngày cầu vẫn treo chờ đường nhiều năm qua.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/409988/xay-dung-cac-tuyen-giao-thong-ket-noi-nhieu-dia-phuong-chung-tay.html