Xây dựng biên giới đẹp giàu

Trong những năm qua, mảnh đất biên giới Lào Cai ngày càng khởi sắc trong phát triển kinh tế, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Để đạt được kết quả đó có đóng góp không nhỏ của những dòng họ tiêu biểu nhiều đời bám trụ, xây dựng những bản làng biên giới bình yên.

Dòng họ Lục trên đất Bản Lầu

Nhắc đến xã Bản Lầu (huyện Mường Khương), nhiều năm nay, từ một xã biên giới còn nhiều khó khăn, Bản Lầu trở thành “thủ phủ” của tỉnh về chuối, dứa. Cũng ở nơi đây có những dòng họ người dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, gắn bó với mảnh đất biên cương, làm cho vùng đất này ngày càng khởi sắc, trong đó, dòng họ Lục, dân tộc Nùng ở thôn Na Nhung là một điển hình.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lục Thượng Khiêm, 64 tuổi, Trưởng dòng họ Lục kể: Từ 400 năm trước, tổ tiên dòng họ Lục đã chọn thôn Na Pao, xã Bản Lầu để an cư. Đến nay, qua 10 thế hệ, dòng họ Lục có 27 hộ với gần 130 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở 2 thôn Na Pao và Na Nhung. Là trưởng dòng họ Lục, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình trong dòng họ cải tạo tập tục lạc hậu, tích cực tăng gia, sản xuất.

Đặc biệt, sinh sống ở khu vực biên giới, các gia đình đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc theo đạo trái phép. Nhiều năm qua, 27 hộ trong họ không có ai nghiện ma túy, trộm cắp, tảo hôn, vi phạm pháp luật.

Từ năm 2009, dòng họ Lục được Công an xã Bản Lầu lựa chọn xây dựng mô hình Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự. Năm 2016, ông Lục Thượng Khiêm được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích 10 năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Dòng họ Ngô lập nghiệp nơi biên giới

Từ xa nhìn lại, ngôi nhà xây cấp 4 mang dáng dấp một biệt thự nhỏ của gia đình ông Ngô Quang Lạp ở thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) nằm giữa rừng cây mỡ, cây quế xanh mướt trập trùng. Ngày cuối năm, nhìn những bông hoa đào, hoa mai đang bung nở rực rỡ, ông Lạp nhớ lại những kỷ niệm của mùa xuân cách đây 60 năm. Ngày đó, ông Lạp là chàng thanh niên 20 tuổi, đúng ngày rằm tháng Giêng cùng bố mẹ và hơn 100 hộ theo tiếng gọi của Đảng rời quê hương Vụ Bản, tỉnh Nam Định lên mảnh đất biên giới Lào Cai khai hoang, lập nghiệp.

“Sau chặng đường đi bộ gian nan từ Lào Cai lên Trịnh Tường, gia đình tôi cùng những hộ khác dừng chân bên bờ sông Hồng thuộc thôn Tân Tiến bây giờ bắt đầu cuộc sống mới. Nơi đây biên giới, chỉ có lau lách, rừng núi hoang vu, không có nhà dân nào ở, phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để biến đất hoang thành những vườn mía, vườn khoai, ý dĩ… phủ xanh dải đất ven sông Hồng. Năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới, các hộ tản đi mỗi nhà một nơi, bố tôi đưa gia đình chạy vào rừng ẩn náu. Từ đó đến năm 1995, khi tình hình biên giới dần ổn định, gia đình tôi chuyển 3 nơi ở, nhưng vẫn quyết tâm bám mảnh đất biên giới Trịnh Tường, coi biên giới là quê hương thứ hai, nơi sinh cơ, lập nghiệp”, ông Lạp kể.

Ông Ngô Quang Lạp, trưởng dòng họ Ngô, thôn Tân Quang, xã Cốc Mỳ đã 60 năm gắn bó với mảnh đất biên cương.

Trong câu chuyện, ông Lạp bảo dòng họ Ngô ngày đó chỉ có 4 hộ lên Lào Cai khai hoang, trải qua 60 năm, giờ cả họ có 14 hộ sinh sống, chủ yếu ở xã Trịnh Tường, hộ nào cũng xây được nhà khang trang. Các gia đình ông Ngô Quang Lạp, Ngô Minh Lý, Ngô Minh Hiếu, Ngô Văn Khơi đều có 4 - 5 ha rừng, thu nhập mỗi năm 100 - 200 triệu đồng. Đặc biệt, dòng họ Ngô có 18 đảng viên. Với những cống hiến trong việc xây dựng mảnh đất biên giới Trịnh Tường, dòng họ Ngô được Công an xã Trịnh Tường lựa chọn xây dựng mô hình Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự.

Nhân rộng mô hình “ Dòng họ tự quản”

Trao đổi với chúng tôi về mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” ở khu vực biên giới của tỉnh, Trung tá Lương Minh Đức, Đội trưởng Đội Hướng dẫn phong trào, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh cho biết: Lào Cai có gần 200 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, để bảo vệ biên giới vững chắc thì những dòng họ sinh sống lâu đời dọc biên giới có vai trò rất quan trọng. Từ mô hình thí điểm “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” được xây dựng lần đầu vào năm 2008, đến nay, tại địa bàn các xã biên giới đã có 22 mô hình. Tiêu biểu như dòng họ Lục, dòng họ Thào (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương); dòng họ Vàng, dòng họ Hù (xã Quang Kim, huyện Bát Xát); dòng họ Thào, dòng họ Cư - Ngải - Lồ (thị trấn Si Ma Cai); dòng họ Giàng (xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai)…

Mô hình "Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự" góp phần giữ bình yên tại các xã biên giới của tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, các “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” tại các địa bàn giáp biên đã tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền, giáo dục người thân trong dòng họ và người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của dòng họ. Thành viên các dòng họ tự quản đã cung cấp 608 nguồn tin, trong đó 310 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng giải quyết 119 vụ việc, bắt 129 đối tượng, thu giữ nhiều tài sản có giá trị; tham gia vận động người dân giao nộp, thu hồi 62 súng tự chế và vũ khí thô sơ; tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 24 người lầm lỗi tại cộng đồng. Những người có uy tín trong các dòng họ tham gia vận động, hòa giải thành công 42 vụ việc, mâu thuẫn tại cơ sở.

Ở vùng đất biên cương Lào Cai, mỗi “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” là một cộng đồng vững chắc, là “tường thành”, “cột mốc sống” trong bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, chủ quyền, biên giới quốc gia…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363889-xay-dung-bien-gioi-dep-giau