Xẩm vẫn luôn âm vang

Khi tinh hoa của nghệ thuật hát xẩm - cụ Hà Thị Cầu về với cát bụi, nhiều người lo ngại rằng, hát xẩm sẽ mai một dần ở chính nơi vốn được coi là chiếc nôi của môn nghệ thuật này. Nhưng không, những người nặng lòng với hát xẩm vẫn có quyền tràn đầy hi vọng về một tương lai rực rỡ của nghệ thuật hát xẩm quê nhà khi chứng kiến sự đam mê của lớp người trẻ hôm nay.

Tiết mục hát xẩm của chiếu xẩm chợ Lồng biểu diễn tại Lễ hội đền Thái Vi. Ảnh: Minh Quang

Cuối năm, trời rét ngọt. Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân-Chủ nhiệm CLB xẩm Kim Ngân, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) thảnh thơi sau một ngày tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết.

Bên nồi bánh chưng sôi rền, thơm phức, sẵn chiếc chiếu hoa trải giữa sân nhà, nghệ nhân ưu tú Kim Ngân say sưa hướng dẫn các cháu ngoại cách luyến láy, nhả chữ để hát trọn vẹn một bài xẩm cổ. Cháu ngoại nhỏ tuổi nhất của Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân là bé Phạm Quỳnh Anh, năm nay mới học lớp 3, nhưng đã theo bà ngoại học hát xẩm được hơn 2 năm.

Bà Ngân tự hào vì hầu hết các cháu của bà đều theo học hát xẩm từ khi còn rất nhỏ. Không chỉ dạy con, cháu trong nhà hát xẩm, với vai trò là Chủ nhiệm CLB hát xẩm Yên Nhân- một trong số các CLB xẩm nổi tiếng tính đến thời điểm hiện nay ở huyện Yên Mô, Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân đã dày công truyền dạy hát xẩm cho rất nhiều người trẻ ở trong và ngoài địa phương.

Theo bà Ngân, các thành viên trong CLB có độ tuổi từ 6 đến 20 tuổi. Thời gian đầu, các thành viên được nghệ nhân hướng dẫn lý thuyết, luyện âm, nhấn, nhả chữ. Sau đó mới tập phân biệt các thể loại xẩm. Đến nay, đa số các em sử dụng được nhạc cụ, hát được xẩm thập ân, tàu điện, xẩm chợ... và hơn tất cả, là đã khơi gợi được niềm đam mê của nhiều người đối với hát xẩm.

Từ các lớp học này, nhiều người trẻ đã tham gia biểu diễn tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương và giành giải cao. Mới đây nhất, 3 thành viên trong CLB là bé Vương Mai Thùy Trang, Phạm Như Quỳnh và Mai Ngọc Oanh, đã mang xẩm đến cuộc thi dân ca 3 miền, tổ chức tại tỉnh Nghệ An và đã xuất sắc giành giải nhất. Mỗi lần đi biểu diễn, là một lần được đưa xẩm đến gần hơn với số đông dân chúng, mọi lứa tuổi, giúp người nghe dần tiếp cận và nảy nở tình yêu với từng thanh âm, làn điệu mộc mạc ấy.

Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân nói rằng, những thế hệ hát xẩm như bà sẽ không còn đau đáu nỗi lo xẩm bị mai một, thất truyền. Bà đã dạy hát cho hàng trăm học trò. Không ai chọn học hát xẩm như một nghề để mưu sinh trong tương lai, mà các cháu học hát chỉ để thỏa niềm đam mê và trách nhiệm của lớp người trẻ đối với môn nghệ thuật truyền thống này.

Xẩm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác sẽ không bị quên lãng mà vẫn sẽ được lưu truyền và phát triển mạnh mẽ theo thời gian, nhờ có niềm đam mê và trách nhiệm của lớp người trẻ. Đó cũng là động lực, là niềm tin để bà theo đuổi công việc truyền thụ nghệ thuật hát xẩm trong nhiều năm qua.

Truyền nghề cho thế hệ trẻ tại CLB xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong (Yên Mô). Ảnh: Minh Quang

Nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn cũng là một người rất nặng lòng với xẩm. Công Sơn năm nay mới 23 tuổi, quê gốc ở tỉnh Thái Bình-quê hương của nghệ thuật hát chèo, nhưng vì tình yêu với xẩm nên anh đã tìm về với đất xẩm Yên Mô.

Sơn kể rằng, anh đã học qua rất nhiều nghệ nhân, trong đó có cả nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng Đào Bạch Linh ở thành phố Hải Phòng. Học được nhiều điều hay, nhưng vẫn thiếu một nét gì đó rất riêng của xẩm như lối hát của cụ Hà Thị Cầu. Muốn học được cụ, chỉ có cách về quê của cụ. Năm 2016, Công Sơn khăn gói về Yên Mô để học hát xẩm. Anh Sơn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu tư liệu, tìm tòi, nghiên cứu kỹ lối hát của cụ Cầu để học theo.

"Điểm đặc biệt ở cụ Cầu là thể hiện ở cả tiếng đàn và tiếng hát. Tiếng hát xẩm của cụ tròn vành, rõ tiếng. Lối buông câu, nhả chữ, nhịp phách của cụ rất phiêu. Vẫn là những nguyên tắc chung khi hát, nhưng mỗi lần cụ hát là một lần thấy sự mới mẻ, khác nhau. Cách cụ ngắt, nghỉ cũng tự do, phong phú. Đặc biệt là khi đàn, tiếng đàn nhại theo lời hát. Lời hát như nào, tiếng nhạc được nhại theo y như vậy..."- anh Sơn say sưa nói về lối hát của người hát xẩm cuối cùng thế kỷ XX.

Nghệ nhân Bùi Công Sơn chia sẻ, may mắn của anh là có chất giọng đồng âm với cụ Cầu, vì vậy khi đi hát, nhiều người yêu xẩm nhận ra lối hát của anh khá giống với cụ Cầu. Nhiều người cho rằng, hát xẩm khó có thể mưu sinh, nhất là trong cuộc sống đương đại, nhưng anh Sơn tự hào rằng mình có thể sống được nhờ hát xẩm.

Từ năm 2019 tới nay, anh Sơn đã tham gia và giành hàng chục giải A trong các cuộc thi, liên hoan các CLB xẩm. Mới đây, tại Liên hoan các CLB hát xẩm do tỉnh Ninh Bình tổ chức, anh Sơn đã xuất sắc đoạt giải A. Anh Sơn cũng là một trong ba nghệ nhân được mời tham gia vào đêm diễn Di sản văn hóa Bắc Bộ, Trung Bộ trong chuỗi các hoạt động tại Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023 vừa qua.

Dù là nghệ thuật truyền thống đặc sắc, nhưng phải thừa nhận một thực tế là hát xẩm đang bị "lép vế" giữa nhịp sống hiện đại, giữa cái thú nghe của giới trẻ hiện nay. Đó là điều anh Sơn trăn trở, vì vậy, nhiều năm qua, anh Sơn đã cùng tham gia vào việc dạy hát xẩm cho trẻ em ở xã Yên Phong trong chiếu xẩm chợ Lồng.

Anh Sơn cũng dày công sưu tầm các tài liệu, nhạc cụ cổ để nhiều người có thể tiếp cận, từ đó lan tỏa rộng rãi hơn tình yêu xẩm đến với công chúng. "Hiện nay, người nghe xẩm đã nhiều hơn trước. Khán giả tìm đến với các cuộc thi, chương trình biểu diễn xẩm ngày một nhiều, có cả những khán giả trẻ. Thực ra, có người nghe bởi hiểu xẩm, yêu xẩm, cũng có không ít người nghe theo phong trào. Dạy xẩm cũng vậy, có nhiều trẻ theo học vì đam mê, cũng có trẻ còn hát theo phong trào… Nhưng dù vậy, đây cũng là tín hiệu rất vui về tương lai của xẩm. Một mùa xuân mới đang về. Cá nhân tôi mong rằng, năm nay và nhiều năm sau nữa, tôi có thể lan tỏa đến nhiều người, nhất là người trẻ tình yêu với nghệ thuật hát xẩm..."- nghệ nhân Bùi Công Sơn chia sẻ.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xam-van-luon-am-vang/d20240131092819476.htm