Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), sáng 28/10, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, là người lãnh đạo mà để cơ quan có tham nhũng thì trước hết nên từ chức hoặc bắt buộc người đó phải ngưng chức.

Ông Trương Trọng Nghĩa.

Bình luận về việc bổ nhiệm người thân vào các vị trí lãnh đạo, ông Nghĩa cho rằng, thực chất những việc như lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào mối quan hệ công việc là biến tướng của tham nhũng. Điều này thể hiện các vị trí và công việc của cán bộ công chức trong bộ máy công quyền hiện nay đẻ ra nguồn lợi, quyền lợi. “Làm công chức mà ngay ngắn, đúng chính sách chế độ không thể giàu được. Vậy mà người ta vẫn cứ đua nhau vào và bố trí cho người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đấy. Vào đấy để cùng nhau tham nhũng và che chắn cho nhau”- ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa cho rằng, những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý nhưng phải khách quan. Cần phải nghiên cứu căn cơ, thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để không cực đoan.

Về việc chống tham nhũng, ông Nghĩa cho rằng “là người lãnh đạo mà để cơ quan có tham nhũng thì trước hết nên từ chức hoặc bắt buộc người đó phải ngưng chức. Còn việc cá nhân người lãnh đạo đó có tham nhũng không, có bao che không thì tính sau, xử lý sau. Nhiều nước đã làm việc này. Nếu xử lý người đứng đầu theo phương thức đó thì sẽ có tác động rất lớn đối với việc phòng, chống tham nhũng nói riêng và trong nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển biến”.

Với câu hỏi: Tại sao công tác phòng, chống tham nhũng xác định xử lý người đứng đầu là một nguyên tắc? Theo ông Nghĩa “là vì nhiệm vụ của người đứng đầu là không để xảy ra những sai phạm gây ra những tổn thất, thiệt hại”.

Theo đó, nếu xảy ra thì cũng có nghĩa là không làm tròn nhiệm vụ, cho nên có thể là từ chức hoặc cách chức, thuyên chuyển đi nơi khác. Có những người khi có những sai phạm quá lớn ở địa phương mình thì từ chức là một thái độ tự trọng, chính mình bảo vệ danh dự của mình. Xử sự như thế là đúng với quy định quản lý cán bộ của Đảng, của luật pháp và đúng với tinh thần công bộc của dân. Nếu người đứng đầu ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều.

H.Vũ-H.Mai (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/xac-dinh-ro-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau/130920