Xác định hướng đi nghề nghiệp lâu dài

TTO - * Tôi 29 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành kinh tế đối ngoại loại giỏi, tiếng Anh tốt. Tôi làm chuyên viên nghiên cứu kinh tế đã được 3 năm và đây là công việc duy nhất tôi thấy phù hợp với mình kể từ khi ra trường.

Tuy nhiên, mức lương hiện tại của tôi khá thấp (8 triệu/tháng kể cả thuế), không đủ chi trả cho tiền thuê nhà và sinh hoạt phí hằng tháng. Đôi khi, việc tập trung làm việc và nghiên cứu quá nhiều cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi.

Những lý do trên khiến tôi lo lắng không biết có nên xác định đây là nghề nghiệp mình nên theo đuổi suốt đời hay không?

Nếu xác định theo đuổi công việc này lâu dài, tôi sẽ phải học thêm bởi kiến thức là vô tận, và bằng ĐH của tôi không đủ để tiến xa hơn trong sự nghiệp. Nhưng việc học này đối với một phụ nữ đã có gia đình không hề dễ dàng. Từ khi có con, tôi có rất ít thời gian dành cho việc khác.

Nhưng nếu thay đổi nghề nghiệp, tôi mong muốn có một công việc phù hợp với năng lực bản thân và có một mức lương cao (các bạn cùng khóa tôi hiện đã có mức lương 16-20 triệu/tháng). Tôi là người làm việc tỉ mỉ, có trách nhiệm, có khả năng phân tích, làm việc độc lập và làm việc nhóm tốt. Tuy nhiên, tôi khá nhút nhát, không thích hợp lắm với những công việc mang tính chất ngoại giao như sales, hay sáng tạo như marketing.

Vậy rất mong anh/chị cho tôi một lời khuyên sáng suốt. Tôi cảm ơn anh chị rất nhiều.

- Chào bạn. Theo tự thuật của bạn thì bạn là một nhân viên tốt, có sự yêu thích công việc. Những nhu cầu rất thật của bạn và muốn được thăng tiến trong nghề nghiệp là nhu cầu hết sức chính đáng.

Về vấn đề thăng tiến trong nghề nghiệp, sau một thời gian làm việc, để phát triển cao hơn nữa, bạn có thể chọn phát triển theo một trong hai hướng:

+ Chuyên viên cao cấp: cần có chuyên môn rất cứng trong lĩnh vực của mình, có những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm khác biệt so với những người khác. Có khả năng hướng dẫn, kiểm soát, đưa ra hướng giải quyết vấn đề, lời tư vấn tham mưu có giá trị cao trong phạm vi chuyên môn của mình.

+ Quản lý: cần có khả năng giao tiếp giỏi, khả năng lãnh đạo, quản lý các vấn đề chung của một tập thể để đạt được một mục tiêu chung, gây ảnh hưởng lên người khác, năng động nhạy bén, có khả năng đối ngoại lẫn đối nội khéo léo, linh hoạt với một mức độ hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn vừa đủ không nhất thiết phải rất sâu mà cần kiến thức tổng quát, tầm nhìn rộng và xa hơn một chuyên viên.

Bạn cần xem xét nhìn nhận lại năng lực và hoàn cảnh của mình thật kỹ càng, để chọn hướng phát triển phù hợp cho mình. Nếu xét thấy bản thân không thể có những tố chất của nhà quản lý, bạn cần phải tạo sự khác biệt về chuyên môn. Ngược lại, nếu xét thấy năng lực không phù hợp để phát triển sâu về chuyên môn, bạn cần phải kiên quyết thay đổi mình để cải thiện những yếu điểm có thể hạn chế bạn tiến lên cấp quản lý.

Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một năng lực và nhu cầu cơ bản riêng nên bạn cũng đừng quá lo lắng khi so sánh với bạn bè. Điều quan trọng bạn cần xác định những giá trị sống mà mình đang theo đuổi là gì: gia đình, con cái, sự ổn định…hay là sự thăng tiến, giàu có… Cần cân bằng những yếu tố làm sao để thỏa mãn nhu cầu của mình một cách tốt nhất, chứ không phải nhất thiết phải theo đuổi những mức lương thị trường, hoặc những vị trí được xã hội đánh giá cao.

Như lời kể của bạn thì bạn đang có một công việc khá phù hợp. Những khó khăn trong công việc là đương nhiên phải có, công việc nào cũng cần đòi hỏi nhiều, nhất là những lúc thị trường khó khăn như hiện tại.

Hoàn cảnh của bạn có lẽ là con còn nhỏ, bạn phải dành nhiều thời gian cho con và gia đình nên chưa thể đầu tư nhiều thời gian cho sự nghiệp. Những điều bạn phải hi sinh đó cũng sẽ được bù đắp bằng những giá trị khác từ gia đình mà chưa chắc tiền bạc có thể bù đắp được.

Về cá tính, có thể bạn phù hợp hơn với hướng chuyên viên cao cấp, tuy nhiên trong tình hình hiện tại bạn chưa học cao hơn được thì cứ để thời gian sau học thêm.

Những điều bạn có thể thay đổi ngay từ bây giờ mà không cần phải tốn tiền hay thời gian để có thể dễ dàng tiến thân hơn là: khắc phục những điểm yếu của mình: cởi mở hơn, chịu khó giao tiếp, giao lưu kết bạn, tiếp cận khách hàng, tự tin thể hiện ý kiến của mình, thuyết phục người khác; chủ động nhận lãnh thêm trách nhiệm trong công việc; tập cách trình bày mạch lạc, biết cách dẫn dắt người khác; đọc thêm các sách về quản lý để trao dồi kỹ năng quản lý nhóm; tạo thiện cảm với sếp và đồng nghiệp...

Chúc bạn thành công!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn . Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=499354&ChannelID=269