Xã miền núi ở Đà Nẵng nâng cao chất lượng giáo dục để phát triển bền vững

Xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ra nghị quyết khẳng định, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho tương lai, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Phấn đấu 100% trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 trở lên

Là xã miền núi duy nhất của TP Đà Nẵng, nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) luôn cố gắng vượt lên khó khăn, quyết tâm đổi mới phương pháp dạy và học.

Tuy nhiên, GD&ĐT của xã còn một số hạn chế. Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến chưa tích cực, vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp của huyện.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là chính sách về phát triển giáo dục còn chậm, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội chưa tốt...

Vì vậy, Đảng ủy xã Hòa Bắc đã ban hành Nghị quyết số 19 về đẩy mạnh nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn xã Hòa Bắc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, khuyến khích đội ngũ nhà giáo tự học nâng cao trình độ đào tạo trên chuẩn.

100% trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6; phấn đấu trên 60% học sinh tốt nghiệp THCS và tiếp tục học lên THPT; 100% học sinh từ lớp 1 trở lên được học tiếng Anh và Tin học.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc trong phòng thực hành môn Tin học.

Phấn đấu tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm duy trì từ 90% trở lên. Số học sinh trúng tuyển Đại học ở các trường THPT cao qua từng năm. 100% học sinh tốt nghiệp THPT có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, với giáo dục mầm non mỗi năm tỉ lệ huy động trẻ em các độ tuổi ra lớp tăng 2%.

Các trường Tiểu học và THCS có triển khai việc dạy học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài.

Tiếp tục duy trì 100% trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 trở lên và có ít nhất 1 trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Để làm được những điều trên, xã Hòa Bắc xác định vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác GD&ĐT. Xác định nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là nhiệm vụ của toàn dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng đến chất lượng học sinh đồng bào Cơ Tu…

Đổi mới giáo dục tạo nền tảng cho phát triển kinh tế

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, cho hay, sau khi có Nghị quyết, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền tại 7 thôn với hơn 600 lượt người dân.

Tuyên truyền về Nghị quyết tại nhà gươl cho bà con đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc.

Phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác giáo dục tại Hòa Bắc, bà Hà cho hay, những năm qua, xã thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đề ra các chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp. Nhất là thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy Hòa Vang.

Tuy nhiên, so với xu thế phát triển, công tác GD&ĐT của xã còn một số hạn chế, như: Chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến chưa tích cực, vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp của huyện; giáo dục mũi nhọn chưa rõ nét...

“Tại những buổi tuyên truyền chúng tôi phát động mô hình “30 phút cùng con mỗi tối” đến người dân. Các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường phải phải xây dựng được “góc học tập” cho học sinh, phụ huynh đăng ký “Học cùng con” 30 phút vào mỗi tối, quan tâm quản lí, giáo dục học sinh tại gia đình, kịp thời can thiệp những biểu hiện chưa tốt, vi phạm của học sinh tại gia đình, thôn. Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh", bà Hà nói.

Bà Hà cho rằng, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho tương lai, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, là tiền đề quan trọng để xây dựng Hòa Bắc phát triển.

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc triển khai nghị quyết về đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn xã.

"Công tác GD&ĐT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mọi gia đình. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo dựa trên cơ sở nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới chương trình giáo dục đào tạo theo kế hoạch của Trung ương, gắn với quá trình phát triển đô thị của huyện. Để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì nâng cao chất lượng GD&ĐT và đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất”, bà Hà nhấn mạnh.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xa-mien-nui-o-da-nang-nang-cao-chat-luong-giao-duc-de-phat-trien-ben-vung-post679752.html