Xã anh hùng Hòa Chánh hôm nay

Giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến, sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nỗ lực xây dựng quê hương phát triển.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Hòa Chánh thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận. Các cựu chiến binh xã Hòa Chánh kể khi ấy đàn ông đi đánh giặc, phụ nữ ở nhà vừa làm ruộng, nuôi con, vừa nuôi chứa chiến sĩ cách mạng.

Bằng sự bất khuất, kiên cường, quân, dân xã Hòa Chánh góp phần vào thắng lợi to lớn giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Năm 1972, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho dân quân du kích xã Vĩnh Hòa.

Năm 2003, Vĩnh Hòa tách ra làm 2 xã gồm Vĩnh Hòa, Hòa Chánh. Năm 2007, thành lập huyện mới U Minh Thượng, Hòa Chánh thuộc huyện U Minh Thượng cho đến nay.

Ngày 3-2-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164/QĐ-TTg về việc công nhận 9 xã an toàn khu thuộc tỉnh Kiên Giang, trong đó có Hòa Chánh, càng tiếp thêm động lực cho cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nỗ lực vươn lên phát triển quê hương.

Là một trong những gia đình có truyền thống cách mạng trong kháng chiến, ông Phạm Văn Niên (sinh năm 1951), ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh cho biết khi ấy nhiều đơn vị thuộc Quân khu 9 về đóng quân, chiến đấu trên địa bàn xã; phong trào cách mạng của quân, dân rất sôi nổi. Nhiều nhà dân đùm bọc, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng.

Cha của ông Niên tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Năm 19 tuổi, ông Niên tiếp bước theo cha bắt đầu hoạt động cách mạng, làm y tá của Tỉnh đội. Thời gian ấy, ông cũng quen và sau này kết hôn với nữ quân y của Tỉnh đội là bà Nguyễn Thị Thủy.

“Vợ chồng cùng hoạt động kháng chiến nên chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua gian khó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì độc lập dân tộc. Người dân ở xã cũng dốc lòng, dốc sức đánh đuổi giặc xâm lược, ngày hòa bình hòa cùng với niềm vui của cả dân tộc, cả xóm ấp mừng vui khôn xiết”, ông Niên chia sẻ.

Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, theo ông Phạm Văn Niên do sự tàn phá của chiến tranh, hầu hết người dân đều nghèo khó. Cả xóm của ông toàn cây tạp um tùm, xa xa mới có căn nhà lá, đường đất, đi lại rất khó khăn. Khu vực ấp Vĩnh Hưng ngày ấy là vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của xã Hòa Chánh ngày nay. Nay ấp có sự thay da đổi thịt rõ rệt, đường giao thông nông thôn thông thoáng, có đèn thắp sáng về đêm, giúp người dân đi lại dễ dàng.

Đồng chí Hồ Trung Lý (bên phải) - công chức văn hóa - xã hội xã Hòa Chánh đến thăm hỏi đời sống và vận động người dân nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa.

Với bản lĩnh của chiến sĩ cách mạng, trở về đời thường ông Niên và vợ không ngừng lao động vươn lên. Gia đình chỉ có 5 công đất cấy lúa mùa không đủ ăn, ông Niên làm đủ nghề từ hớt tóc, thợ mộc cho đến thợ hồ. Vợ ông Niên thức khuya dậy sớm làm ruộng, nuôi heo, vợ chồng chắt chiu mua được hơn 100 công đất ruộng. Sau khi chia cho các con ruộng đất ra ở riêng, đến nay vợ chồng ông Niên còn 65 công đất ruộng, cuộc sống dư dả.

Không chỉ có vợ chồng ông Niên lao động vươn lên mà nhiều hộ dân trong ấp cũng vượt khó làm giàu. Ông Niên nhận định: “Người dân làm ăn thuận lợi không chỉ do nỗ lực của bản thân mà còn do Nhà nước quan tâm đầu tư điện, giao thông, thủy lợi, có chính sách hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật nên sản xuất lúa có chuyển biến tích cực, năng suất tăng, thu nhập khá hơn”.

Năm 1991, vợ chồng anh Giang Tấn Xuyên (sinh năm 1969), ngụ ấp Vĩnh Hưng ra ở riêng với 3 công đất ruộng. Nhờ chịu khó làm ăn và biết nắm bắt thời cơ làm nhiều nghề như sửa máy nổ, máy sạc bình, suốt lúa kết hợp chăn nuôi, làm ruộng, giờ đây anh Xuyên có cơ ngơi khá giả.

Suy nghĩ “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”, đến nay anh Xuyên có 6ha đất ruộng. 3 năm nay, anh còn thực hiện mô hình nuôi heo rừng cho lãi khoảng 300 triệu đồng và nuôi ốc bươu đen, gà, vịt... Anh Xuyên chia sẻ ở quê chỉ làm ruộng thì khó có dư, nên kết hợp nhiều mô hình để tăng thu nhập. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với người dân xung quanh.

Không chỉ ấp Vĩnh Hưng có sự đổi thay mà toàn xã Hòa Chánh cũng chuyển mình vươn lên. Hòa Chánh được công nhận xã nông thôn mới năm 2020. Xã có công trình ánh điện nông thôn dài 22km, giúp người dân đi lại thuận lợi về đêm và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự.

Là xã nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Chánh quy hoạch vùng tôm - lúa, vùng chuyên lúa giúp người dân yên tâm sản xuất. Mặc dù năm 2020, nhất là năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng/năm vào năm 2021. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên địa bàn xã hiện đạt 98%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Người dân Hòa Chánh hăng hái lao động, sản xuất. Những tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng lúa xã gần 16.000 tấn, tổng sản lượng tôm nuôi khoảng 500 tấn.

Đồng chí Châu Thảo Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Chánh cho biết kinh tế - xã hội của xã có chuyển biến rõ nét. Hiện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo và hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đầu ra nông sản, giá, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Đây là điều trăn trở của nông dân và chính quyền địa phương, cần tìm giải pháp tháo gỡ thời gian tới.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/xa-anh-hung-hoa-chanh-hom-nay-9592.html