Wirapol - quỷ dữ núp bóng tu hành

Bà Phey Sihawong lập tức cảm mến nhà sư với gương mặt trẻ măng mang tên Wirapol Sukphol, ngay trong lần đầu tiên đôi bên gặp mặt. Bà có cảm giác rằng Wirapol ẩn chứa một sức mạnh đặc biệt bên trong mình, khiến người khác cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi ở bên cạnh anh ta.

Những món quà xa xỉ của một nhà sư

Người phụ nữ 70 tuổi này hay nấu món cà-ri nấm rừng rồi mang tới nơi ở của Wirapol bất chấp việc bản thân thường xuyên mệt mỏi vì phải làm việc ngoài đồng từ sáng tới tối. Phey cũng không ngần ngại khi gửi đứa cháu gái của bà, cô bé Ying, tới dọn dẹp nơi ở của Wirapol.

Năm đó Ying chưa đầy 13 tuổi và được xem là thiếu nữ xinh đẹp nhất làng. Tuy nhiên bà Phey tin chắc Ying sẽ chẳng gặp vấn đề gì khi ở cạnh Wirapol, một nhà sư đã thề sống đời khổ hạnh, đoạn tuyệt với nhục dục. Hơn nữa, bà cho rằng việc phục vụ một nhà tu hành có thể giúp Ying được Phật ban phước!

Wirapol nhanh chóng nhận ra tình cảm mà bà Phey và cháu gái dành cho mình và bắt đầu năng lui tới căn nhà của họ. Với khoản thu nhập chỉ 100 baht (3,5USD) mỗi ngày nhờ làm việc ngoài đồng, bà Phey gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc Ying, đứa trẻ đã mồ côi cha mẹ từ khi còn đỏ hỏn.

“Này Ying, đi với ta và ta sẽ mua cho con một món quà”, bà Phey còn nhớ Wirapol đã từng nói thế với cháu gái của mình. Quả thực, Wirapol đã mua cho Ying một chiếc dây chuyền vàng và các món quà xa xỉ khác. Đây là hành vi bất thường của một nhà sư mà mỗi buổi sáng vẫn cầm bát đi vòng quanh ngôi làng của bà nằm ở vùng Isaan để khất thực. Nhưng bà Phey đã không nghi ngờ gì cả.

Ying lại càng không e ngại Wirapol, nên cô bé đã bị sốc khi một ngày nọ bị nhà sư này lao vào tấn công tình dục, trong lúc đang dọn nhà cho gã. “Tôi cố đẩy anh ta ra, nhưng không được”, cô gái úp mặt vào đôi bàn tay, ngượng ngùng kể lại với phóng viên tờ Sydney Morning Herald, về khoảnh khắc khủng khiếp đã xảy ra với cuộc đời mình.

Chỉ tới khi thấy cái bụng của cháu gái to dần lên, do đã mang bầu với Wirapol, bà Phey mới tá hỏa. Thất vọng và tức giận, bà tìm gặp Wirapol để làm cho ra nhẽ. Nhưng Wirapol đã xoa dịu cơn giận của bà, bằng những lời hứa hẹn như rót mật vào tai, rằng gã sẽ chăm lo cho đứa trẻ và hai bà cháu.

Khi ấy là giữa những năm 2000 và bà Phey không hề biết rằng mình cùng cháu gái đang dính vào một “nhà sư sành điệu” khét tiếng vì độ ăn chơi, nhân vật trung tâm trong vụ bê bối tôn giáo lớn nhất của Thái Lan.

Bức ảnh gây sốc cho thấy Wirapol đi trên máy bay phản lực tư nhân và xài túi hiệu Louis Vouitton.

Wirapol trong một lần di chuyển bằng trực thăng.

Những tài khoản chứa hàng trăm triệu baht

Wirapol Sukphol sinh ngày 19.8.1979, là một trong 4 đứa con của một cặp vợ chồng làm nghề nông ở vùng Ubon Ratchathani của Thái Lan. Wirapol luôn nói về xuất thân nghèo khó này, như một bằng chứng cho thấy gã có cái gốc thanh sạch.

Từ bé Wirapol đã thể hiện xu hướng đam mê Phật giáo. Gã mặc áo cà sa trắng từ năm lên 5 tuổi và thích tới ngồi thiền tại một nghĩa trang địa phương, trong khi những đứa trẻ khác mải mê vui chơi. “Nhiều người trong làng gọi tôi là thằng điên, vì tôi chỉ thích tới chùa chơi với các nhà sư lớn tuổi”, Wirapol viết như thế trong cuốn hồi ký ăn khách “Only This Life, Never To Be Reborn” (tạm dịch Chỉ trong kiếp này, không bao giờ được tái sinh) xuất bản hồi năm 2011.

Năm 15 tuổi, Wirapol được một ngôi chùa địa phương cho vào ở và tới năm 21 tuổi thì trở thành nhà sư thực thụ tại Ubon Ratchathani. Chính tại nơi đây, Wirapol dần gây dựng danh tiếng bản thân, trong vai trò một nhà tu hành có khả năng phát ra năng lượng an lành, khiến người khác cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi ở bên gã.

Với gương mặt dễ mến, đôi bàn tay ấm áp và cái nhìn thu hút, Wirapol dễ dàng mê hoặc các tín đồ dù chỉ tiếp xúc với họ sau thời gian rất ngắn. Giọng nói nhẹ nhàng và truyền cảm, Wirapol thể hiện kỹ năng giảng rất giỏi. Wirapol cũng thường xuyên pha trò nhẹ nhàng, luôn khiến tín đồ bật cười và càng thêm say mê gã.

Từ năm 1999, Wirapol tự gọi mình là Luang Pu, một tước hiệu ở Thái Lan chỉ dành cho các nhà sư có tước vị cao, được nhiều người nể trọng ở Thái Lan. Thế rồi sau khi di chuyển qua nhiều ngôi chùa, gã tới làng Ban Yang ở tỉnh Si Sa Ket vào năm 2003.

Tại đây, một nhà sư cao tuổi, ốm yếu đã mời Wirapol tới ở cùng ông, trong một túp lều nằm cạnh bãi tha ma. Một người dân làng đã tặng cho nhà sư này mảnh đất lớn để xây chùa, nhưng ông không có tiền. Wirapol đã hứa rằng gã sẽ xây chùa trên mảnh đất sau khi nhà sư cao tuổi qua đời.

Hơn một thập kỷ sau, tại nơi này vẫn chẳng có ngôi chùa nào mọc lên, dù chính quyền đã cấp phép xây dựng từ năm 2002. Thay vì xây chùa, Wirapol xây hẳn một tu viện lớn có tên Wat Pa Khanti Tham. Bên trong tu viện có rất nhiều tòa nhà nằm xoay quanh một cái hồ nhỏ, chủ yếu để đón tiếp các tín đồ tìm tới đây vì nghe tiếng lành về Wirapol và cúng tiến cho gã.

Trung tâm của tu viện này là một bức tượng Phật cao 18,5 mét, được nhập khẩu từ Ấn Độ. Theo lời Wirapol, trong bức tượng này có 9.000kg vàng do tín đồ hiến tặng. Tuy nhiên khi tiến hành điều tra, cảnh sát thấy rằng bức tượng chỉ có cái lõi làm bằng bêtông. Và nếu như tượng này từng có chứa vàng bên trong nó thì nay số vàng đã “bốc hơi” từ lâu rồi.

Nhưng lừa đảo tiền công đức không phải là hành vi phạm pháp duy nhất của Wirapol. Văn phòng Chống rửa tiền Thái Lan thông báo họ đã phát hiện 41 tài khoản có liên quan đến Wirapol, với khoảng 200 triệu baht (6,4 triệu USD) thường xuyên được bỏ vào và rút ra khỏi các tài khoản này. Việc dòng tiền liên tục xoay vòng quanh các tài khoản này khiến nhà chức trách nghi ngờ Wirapol tham gia rửa tiền. Gã cũng bị tình nghi đã buôn bán ma túy và giao du với
tội phạm.

“Sư gì mà có nhiều tiền như thế?”

Số tiền kiếm được đã phục vụ hiệu quả cho cơn khát xài sang của Wirapol. Sydney Morning Herald cho biết Wirapol thường đi lại tại khu vực Đông Bắc Thái Lan trên một chiếc Rolls-Royce Phantom có xe cảnh sát hoặc quân sự hộ tống. Đoàn xe đi tháp tùng gã thường đông tới cả trăm chiếc. Wirapol còn vung tiền ra mua nhiều chiếc xe sang khác, như 22 chiếc Mercedes, được sắm trong giai đoạn từ 2009 tới 2011, có giá 3 triệu USD.

Trong nhiều năm, gã cũng đi tới nhiều nơi trên khắp thế giới trên những chiếc trực thăng sang trọng hoặc máy bay phản lực tư nhân.

“Tôi đã luôn thắc mắc anh ta là dạng sư gì mà lại có nhiều tiền như thế” - Piya Tregalnon một trong những phi công thường xuyên chở Wirapol đi cho biết. Mỗi chuyến bay nội địa trên máy bay phản lực tư nhân tốn khoảng 300.000 baht (10.000USD) và Wirapol thường xuyên trả bằng tiền mặt. “Điều kỳ quái nhất là chiếc tay nải anh ta mang theo” - Piya kể - “bên trong nó đầy các cọc tiền 100USD”.

Piya Tregalnon chính là người đã tải các bức ảnh chụp Wirapol đi lại trên máy bay phản lực tư nhân lên f acebook. Trong một bức ảnh như thế, người ta thấy Wirapol đeo kính mát sang trọng, tay cầm túi Louis Vuitton đắt tiền và tại bức ảnh khác thì đang đếm hàng cọc tiền USD. Những hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với lối sống khổ hạnh của các nhà sư Thái Lan.

Tới giữa tháng 6.2013, các bức ảnh ấy đã gây sốt trên truyền thông Thái Lan. Cộng đồng mạng nhanh chóng tung lên hàng loạt bức ảnh khác cho thấy hành vi ăn chơi của nhà sư này, như một bức ảnh chụp gã đang cưỡi lạc đà ở Ai Cập, bức khác ngồi trong khoang lái một chiếc máy bay ở Kansas, nơi gã tìm tới đây với ý định sắm máy bay riêng.

Nhưng điều khiến dư luận Thái Lan kinh ngạc nhất là các cáo buộc tình dục liên quan tới Wirapol. Gã đã phá vỡ lời thề không lập gia đình khi quan hệ tình cảm và tình dục với cả chục người phụ nữ. Một trong số đó là Pra Wa, cô gái 26 tuổi tới từ làng Nam Keing ở Si Sa Ket. Theo báo chí Thái Lan, sau khi Pra Wa hay tin Wirapol có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác, cô bèn gửi một tấm ảnh cho thấy nhà sư này đang ngủ trên giường với mình và bức ảnh đã lập tức gây sốt.

Trong bối cảnh dư luận sục sôi, cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện một loạt sai phạm mà Wirapol gây ra. Một hội đồng Phật giáo đặc biệt cũng được thành lập ở Si Sa Ket để xem xét các cáo buộc chống lại Wirapol. Khi ấy, gã đang đi giảng pháp ở Provence, Pháp.

Nhận thấy rằng trở về nước có thể khiến bản thân bị bắt giữ, Wirapol đã chuồn sang Mỹ. Trong ngày 13.7.2013, hội đồng Phật giáo đặc biệt đã tuyên bố Wirapol không còn là một nhà tu hành nữa, do đã vi phạm quá nhiều quy định của Phật giáo. Tới tháng 7 năm nay, gã tiếp tục bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ và có khả năng sẽ bị trục xuất về Thái Lan.

Có thể nói, câu chuyện lùm xùm quanh Wirapol đang đi tới hồi kết. Tuy nhiên nó đã cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong giới tu hành ở Thái Lan, vốn đã lâm phải nhiều vấn đề như thiếu các nhà sư trẻ trong bối cảnh xã hội đang ngày càng tiến theo hướng tăng cường chủ nghĩa thế tục. Phong cách sống khổ hạnh của các nhà sư Thái Lan cũng không hấp dẫn với các nhà sư trẻ, những người sinh ra và trưởng thành trong môi trường đầy rẫy các trung tâm mua sắm, thuộc về một thế hệ của Internet và điện thoại thông minh.

Pravit Rojanaphruk, một nhà bình luật Thái Lan rất am hiểu về Phật giáo ở Đông Nam Á, đánh giá Phật giáo ở Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề, do không thể đương đầu nổi với một xã hội bị chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa thế tục nhấn chìm. Ông cũng tin rằng xã hội Thái Lan còn nhiều kẻ núp bóng tôn giáo để trục lợi như Wirapol và vấn đề chỉ là khi nào chúng mới bị lôi ra trước ánh sáng mà thôi.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/wirapol-quy-du-nup-bong-tu-hanh-578112.bld