WHO dự đoán số ca mắc ung thư toàn cầu đến năm 2050 sẽ tăng hơn 75%

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán đến năm 2050, các trường hợp ung thư toàn cầu sẽ tăng hơn 75%. Số liệu mới nhất từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO cho thấy rõ gánh nặng ngày càng tăng của căn bệnh này, từ 14,1 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2012 lên 20 triệu ca mắc mới và 9,7 triệu ca tử vong một thập niên sau đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

IARC dự đoán sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050, tăng 77% so với mức năm 2022 và số ca tử vong sẽ tăng gần gấp đôi so với mức năm 2012 lên hơn 18 triệu.

Theo IARC, việc hút thuốc lá, uống rượu và béo phì là những yếu tố chính dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng tăng, bên cạnh đó có cả tình trạng già hóa và tăng trưởng dân số. IARC dự đoán rằng các quốc gia có thu nhập cao sẽ ghi nhận thêm 4,8 triệu ca mắc mới vào năm 2050.

Các quốc gia thu nhập thấp hơn sẽ có tỉ lệ gia tăng số ca mắc mới lớn nhất. Tỉ lệ tử vong do ung thư ở các quốc gia có thu nhập thấp được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi. Ông Freddie Bray, người đứng đầu bộ phận giám sát ung thư của IARC cho biết: “Tác động của sự gia tăng này sẽ không đồng đều ở các quốc gia”.

Theo nghiên cứu của IARC tại 185 quốc gia với 36 loại ung thư, kết quả cho thấy có 10 loại ung thư chiếm đến 2/3 số ca mắc mới và tử vong trên toàn cầu vào năm 2022. Ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm 12,4% số ca mắc mới và 18,7% số ca tử vong. Ung thư vú là dạng phổ biến thứ hai, chiếm 11,6% và gây ra gần 7% số ca tử vong. Các loại ung thư khác gây tử vong lớn bao gồm ung thư gan và dạ dày.

Bà Isabelle Soerjomataram tại bộ phận giám sát ung thư của IARC đánh giá sự bất bình đẳng đặc biệt rõ ràng trong bệnh ung thư vú. Bà Isabelle cho biết phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp có khả năng được chẩn đoán thấp hơn 50% so với phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập cao, khiến họ có nguy cơ tử vong vì bệnh cao hơn nhiều bởi chẩn đoán muộn và không được tiếp cận đầy đủ với phương pháp điều trị chất lượng.

Dữ liệu cho thấy cứ 12 phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập cao thì có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trong đời và 1/71 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này. Ở các nước nghèo hơn, cứ 27 phụ nữ thì chỉ có 1 người được chẩn đoán mắc ung thư vú trong đời, nhưng tỉ lệ tử vong là 1/48.

Mặc dù hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhưng ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tám trên toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ chín. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tại 25 quốc gia, nhiều trong số đó là châu Phi cận Sahara.

Trước các số liệu này, bà Cary Adams, người đứng đầu Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế, nhận xét: “Mặc dù đã đạt tiến bộ trong phát hiện sớm cũng như điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, vẫn có chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị, tồn tại không chỉ giữa các khu vực có thu nhập cao và thấp trên thế giới mà còn ở mỗi quốc gia. Có công cụ tạo điều kiện để chính phủ ưu tiên chăm sóc bệnh ung thư và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận dịch vụ chất lượng, giá cả phải chăng. Đây không chỉ là vấn đề tài nguyên mà còn là vấn đề ý chí chính trị”.

Bà Panagiota Mitrou cho biết những con số đáng kinh ngạc như vậy gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn cầu về bất bình đẳng lớn với tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư, tồn tại giữa các quốc gia. Bà kết luận: “Bây giờ là lúc phải xem xét cuộc khủng hoảng toàn cầu này một cách nghiêm túc nếu chúng ta muốn xoay chuyển tình thế”.

* WHO ngày 29/1 cho biết gần một nửa dân số thế giới đã được hưởng lợi từ các quy định nghiêm ngặt về hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm. WHO kêu gọi các quốc gia chưa thực hiện theo đuổi nỗ lực này.

Năm 2018, WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới vào năm 2023, do có nhiều bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Mục tiêu này không đạt được và được lùi lại đến năm 2025.

Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 53 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, đang thực hiện các chính sách tối ưu để hạn chế chất béo độc hại này, tăng từ 11 quốc gia và tỉ lệ 6% vào năm 2018. WHO ước tính khoảng 183.000 người được cứu sống mỗi năm nhờ các chính sách này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh chất béo chuyển hóa mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người.

Ông ca ngợi nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tham gia và tăng cường đối thoại với ngành công nghiệp thực phẩm.

Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo hiện diện trong nhiều loại thực phẩm, chúng được tạo ra khi thêm hydrogen (H+) vào dầu thực vật dạng lỏng nhằm chuyển dầu sang dạng rắn, khiến các động mạch quanh tim bị tắc nghẽn.

Chúng thường được sử dụng trong thực phẩm đóng gói, bánh nướng, dầu ăn và các loại đồ phết như bơ thực vật. Các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng chất béo chuyển hóa vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn và rẻ hơn một số chất béo thay thế.

Các biện pháp tối ưu để loại bỏ chất béo chuyển hóa bao gồm đặt giới hạn quốc gia bắt buộc là 2 gram chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp trên 100 gram tổng lượng chất béo trong tất cả các loại thực phẩm; hoặc ban hành lệnh cấm quốc gia đối với việc sản xuất hoặc sử dụng dầu hydro hóa một phần, một nguồn chính của chất béo chuyển hóa.

T.LÊ (tổng hợp từ Báo Tin tức, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/312996/who-du-doan-so-ca-mac-ung-thu-toan-cau-den-nam-2050-se-tang-hon-75.html