WEF: Hợp tác toàn cầu sẽ hạn chế khủng hoảng khí hậu, cứu sống 14,5 triệu người vào năm 2050

Một phân tích mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cảnh báo, thiên tai gia tăng do khủng hoảng khí hậu có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế lên đến 12,5 tỷ USD và khiến 14,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để các bên liên quan trên toàn cầu thực hiện hành động mang tính quyết định và chiến lược nhằm chống lại những dự báo này, cùng với đó là giảm thiểu tác động sức khỏe gây nên bởi biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật, tàn phá kinh tế và gây đau khổ. Ảnh minh họa: baolaodong.net/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trên đây là kết quả của Báo cáo Định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, được phát triển với sự cộng tác của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, được công bố trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024.

Bức tranh chi tiết về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe

Trong đó, báo cáo đã phân tích cuộc khủng hoảng khí hậu qua một lăng kính mới bằng cách cung cấp một bức tranh chi tiết về tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, nền kinh tế toàn cầu và các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.

Shyam Bishen, Trưởng phòng của Trung tâm Y tế và Chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng là thành viên của Ban chấp hành WEF nhận định: “Mặc dù đã có nhiều cuộc thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên nhiên và nền kinh tế toàn cầu, song một số hậu quả cấp bách nhất của việc nhiệt độ Trái đất tăng lên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, những tiến bộ gần đây sẽ bị mất đi, trừ khi các biện pháp giảm thiểu và giảm phát thải quan trọng được cải thiện, cũng như triển khai hành động mang tính toàn cầu để xây dựng các hệ thống y tế thích ứng và chống chọi với khí hậu”.

Phân tích này dựa trên các kịch bản do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) phát triển về quỹ đạo có khả năng xảy ra nhất, khiến nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên từ 2,5oC đến 2,9oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cũng đã phân tích 6 loại sự kiện chính do khí hậu gây ra là những tác nhân chính gây nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe, trong đó bao gồm lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão nhiệt đới, cháy rừng và mực nước biển dâng cao.

Trong số những nguyên nhân này, lũ lụt được cho là có nguy cơ cấp tính cao nhất gây tử vong do biến đổi khí hậu, gây ra 8,5 triệu ca tử vong vào năm 2050.

Hạn hán, liên quan đến nhiệt độ cực cao, là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai, với ước tính 3,2 triệu ca tử vong.

Sóng nhiệt gây thiệt hại kinh tế cao nhất với ước tính khoảng 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2050, vì gây ra tình trạng mất năng suất.

Số lượng ca tử vong cao do ô nhiễm không khí, ô nhiễm hạt mịn và ozon gây ra, được dự đoán là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tử vong sớm, với gần 9 triệu ca tử vong/năm.

WEF cho biết, biến đổi khí hậu cũng sẽ gây ra sự gia tăng thảm khốc đối với một số bệnh nhạy cảm với khí hậu, bao gồm cả bệnh do véc-tơ truyền, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các khu vực vốn trước đây ít bị ảnh hưởng hơn, như châu Âu và Mỹ.

Báo cáo chỉ ra rằng, đến năm 2050, thêm 500 triệu người có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với các bệnh do véc-tơ truyền.

Hành động ngay

“Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe và nó đang tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật, tàn phá kinh tế và gây đau khổ. Nếu chúng ta không hành động, không chỉ số người tử vong sẽ tăng lên đáng kinh ngạc, mà chúng ta có nguy cơ mất đi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều thập kỷ nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe trên toàn thế giới. Những quốc gia ít có khả năng gánh chịu những cú sốc này và những quốc gia đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu sẽ là những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”, bà Vanessa Kerry, Giám đốc điều hành của Seed Global Health, đặc phái viên của WHO về Biến đổi khí hậu và sức khỏe cảnh báo.

Cũng theo nội dung báo cáo, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu, với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người già, nhóm thu nhập thấp và các cộng đồng khó tiếp cận, sẽ chịu tác động vô cùng nặng nề.

Các khu vực như châu Phi và Nam Á sẽ phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng tăng trước tác động của biến đổi khí hậu. Những hậu quả mà con người phải đối mặt sẽ trầm trọng hơn là do những hạn chế về nguồn lực hiện có, cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế chưa đủ, còn yếu kém, từ đó làm phức tạp thêm khả năng giải quyết và thích ứng với những thách thức môi trường đã, đang và sẽ xuất hiện.

Hạnh Nhi(Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/wef-hop-tac-toan-cau-se-han-che-khung-hoang-khi-hau-cuu-song-14-5-trieu-nguoi-vao-nam-2050-137173.html